Âm mưu của trung quốc trong 50 năm tới.
Thời báo Quốc phòng Trung Quốc số ra ngày 27/7 cho rằng “Quyết định sự thắng thua tại Biển Đông chính là nhân tố trong nước”. Nội dung như sau:
Phát huy “đại cát đại lợi”, thực hiện “tiêu hao” đối phương
Tại Biển Đông, Mỹ lợi dụng tranh chấp các đảo để thúc đẩy các nước khác tranh chấp nhằm hưởng lợi. Một trợ lý cao cấp của Obama khi trả lời báo giới bày tỏ những cách làm nêu trên của Mỹ chính là áp dụng chính sách “học thuyết lãnh đạo phía sau” của Tổng thống.
Lão Tử đã từng nói “người có lý lẽ mà đặt vị trí của mình đứng ở phía sau thì sẽ chiến thắng, nếu đặt vị trí của mình ở bên ngoài thì sẽ bảo đảm được tính mạng”. Xem ra, học thuyết mà Obama đề xướng khác rất xa với học thuyết của Lão Tử: Mỹ đặt mình ở phía sau, tuy nhiên lại không phải ở bên ngoài, vẫn cố gắng giữ vị trí lãnh đạo của mình, theo đuổi lợi ích riêng của bản thân, do vậy không thể nói là vô tư được.
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biên Đông
Xét về hiện tượng mà nói, sự lãnh đạo từ phía sau cũng giống như là lùi xe. Nhiều năm trở lại đây, Mỹ đã đơn độc một mình đối phó với hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, Mỹ vẫn còn chút sức lực để “khoa tay múa chân” đối với các công việc của quốc tế. Cùng với việc đạt được những huy hoàng thì Mỹ cũng phải tiêu hao cạn kiệt sức lực. Nợ công của Mỹ khoảng 100% so với thu nhập quốc dân, thâm hụt tài chính lớn hơn 68% so với thu nhập tài chính, tỉ lệ thất nghiệp cao đạt 9,2%.
Nghèo thì tư tưởng sẽ thay đổi. Khi cần thiết, cũng cần phải giấu mình lại, giống như TQ “giấu mình chờ thời, tu tâm dưỡng khí”.
Lãnh thổ của Mỹ rộng lớn, tài nguyên phong phú, không những thế Mỹ còn có hệ thống giáo dục và cơ chế thị trường tốt. Doanh nghiệp Mỹ cũng có sức sáng tạo. Đáng ra, chút khó khăn này không thấm vào đâu, nếu làm theo cách nêu trên, không cần đến 10 năm, Mỹ sẽ thoát được khó khăn để bước vào quỹ đạo phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, sự tham lam muốn lãnh đạo thế giới làm cho Mỹ “biết tiến không biết lùi”, vẫn muốn lãnh đạo từ phía sau, đã khó khăn lại còn “cương”, vẫn tham gia vào tất cả các công việc tại mọi nơi trên thế giới, Đài Loan, Biển Đông, Trung Đông v.v… tất cả đều cho rằng thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tình hình Biển Đông hiện nay đối với TQ là “đại cát đại lợi”. Điều then chốt là vận dụng tốt một từ, đó là “tiêu hao”. Tức là “lấy tĩnh chế động”, vừa có thể làm tiêu hao tài nguyên, nhân lực, sự nhẫn nại của đối phương, trong quá trình đó sẽ làm lớn mạnh bản thân, không chiến mà lại có thể khuất phục người khác.
Biển Đông từ trước đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc(!), bảo vệ chủ quyền là hành động chính nghĩa. Chính nghĩa chính là xu hướng của ý dân, không thể thay đổi được. Đây chính là căn bản của việc chiến thắng tranh chấp. Còn đối với đối phương, hoặc có tranh quyền xưng bá, hoặc là tranh tài nguyên, lời nói không thể thay đổi được sự thật lịch sử. Trung Quốc cần kiên trì chủ quyền thuộc ta, cùng khai thác, có lợi thì cùng lợi còn nếu không thì ngược lại. Đồng thời, cần mang một lượng tài nguyên vừa phải sang sử dụng tại Đông Nam Á. Cùng kết hợp sử dụng hợp tác ngoại giao với thương mại.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là năng lực hải, không quân so với quy mô và xu thế phát triển kinh tế của Trung Quốc là lạc hậu nghiêm trọng. Còn các tàu quân sự của Mỹ liên tục qua lại khu vực biển gần Trung Quốc, liên tục cùng các nước xung quanh tiến hành tập trận. Điều này khiến Trung Quốc buộc phải tăng cường hiện đại hóa quân sự. Về phương diện này, điều Trung Quốc thiếu không phải là tiền, cũng không phải là sức người, mà là sự cấp bách cũng như động lực. Ngoài ra, việc bỏ tiền trong lĩnh vực này không phải là điều đáng lo, bởi vì kiểu gì thì cũng phải làm việc này. Các nước khác nếu không thức thời, muốn chạy đua vũ trang với Trung Quốc thì xin mời tự nhiên. Mỹ muốn tăng thêm lực lượng quân sự tại Biển Đông thì Mỹ hãy nêu yêu cầu với Quốc hội Mỹ. Tình hình Biển Đông vì vậy mà không có tiến triển, cứ dậm chân tại chỗ bản thân chính là tiêu hao. Tiêu hao càng nhiều, khi xảy ra tranh chấp càng không có cách giải quyết. Ngược lại, khi đó lại có lợi cho việc hòa bình giải quyết tranh chấp, muốn không để cho Trung Quốc tiêu hao, cần phải ngừng việc thị uy với Trung Quốc.
Tàu hải giám cần phải đi Biển Đông, mỗi một lần đều cần phải sẵn sàng chờ địch. Bất kỳ nước nào, cho dù nước đó có nhỏ như thế nào, tàu quân sự cũ như thế nào thì cũng không thể lấy nhỏ bắt nạt lớn. Có gan dám nổ súng vào tàu quân sự của Trung Quốc, sau khi phản công lại, hãy để cho nước đó trở về và suy nghĩ lại. Có những việc Trung Quốc cần phải nhẫn nhịn, những việc không cần nhịn thì không thể tự biên tự chế ra chuyện để dọa bản thân. Biển Đông không thể xảy ra đánh nhau được. Tuy nhiên, có bao nhiêu là tàu quân sự chen chúc tại đây, việc vô tình nổ súng là việc sớm hay muộn mà thôi.
Nhân tố căn bản của việc thắng thua tại Biển Đông không nằm ở Biển Đông mà nằm ở trong nước Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc có thể xử lý các mâu thuẫn trong nước, thì trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế với tốc độ 8 - 9%. Nếu như vậy, Trung Quốc có thể tiêu hao được, không những thế kinh tế Trung Quốc tăng trưởng có thể tạo ra sức sống, có thể khiến thái độ của một số người mềm đi. Khi đó, Trung Quốc bị ép phải tăng cường hiện đại hóa quân sự, năng lực tự vệ tăng lên, quy mô kinh tế lớn hơn, lập trường tranh chấp tại Biển Đông không có sự thay đổi, vẫn là “chủ quyền thuộc ta, hợp tác khai thác”.
Nhật báo Tin tức Bắc Kinh trích lại phát biểu ngày 29/7 của tướng La Viện, thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc rằng: “Nếu nhìn vào các nước láng giềng của chúng ta, Ấn Độ từ nay đến năm 2014 sẽ có 3 tàu sân bay, Nhật Bản đến năm 2014 cũng sẽ có 3 chiến hạm tương đương với tàu sân bay, vậy thì tôi cho rằng Trung Quốc phải có tối thiểu 3 chiếc tàu sân bay nếu chúng ta muốn bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của mình một cách hiệu quả”.
Là 1/6 cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành 50 năm tới
Báo Tin tức Trung Quốc gần đây đăng bài “Sáu cuộc chiến tranh trong 50 năm tới của Trung Quốc” (không đề tên tác giả):
Cuộc chiến tranh thứ nhất : Thống nhất Đài Loan (giai đoạn 2020 - 2025)
Mặc dù, quan hệ hai bờ hiện nay đang có xu hướng đi vào hòa hoãn, nhưng đừng hy vọng nhà đương cục Đài Loan muốn thống nhất hòa bình với Trung Quốc đại lục. Cho nên trong 10 năm tới, tức trước năm 2020, Trung Quốc cần phải nắm cho được phương châm chiến lược thống nhất, tuyên bố trước Đài Loan về thời hạn cuối cùng để thống nhất đất nước là năm 2025, hoặc là Đài Loan chấp nhận thống nhất hòa bình,, hoặc là phải sử dụng vũ lực để thống nhất. Khi thời điểm đến, cho dù là sử dụng phương thức thống nhất như thế nào, Trung Quốc vẫn nhất định phải thống nhất, đây là một sứ mệnh lịch sử của dân tộc Hoa Hạ.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể dễ dàng giành chiến thắng, nhưng cũng có thể sẽ gian nan giành chiến thắng. Tình hình này phụ thuộc vào quyết định tham chiến của Mỹ, Nhật Bản đối với Đài Loan. Mỹ, Nhật Bản viện trợ cho Đài Loan, thậm chí xuất quân phản công Đại lục, Trung Quốc buộc phải sử dụng tổng lực để đối kháng Mỹ, Nhật Bản, như vậy sẽ trở thành cuộc đại chiến gian khổ và kéo dài. Nếu Mỹ, Nhật Bản không dám đối kháng với Trung Quốc, để Trung Quốc đại lục thu hồi Đài Loan, quân đội Đài Loan đương nhiên không thể chống đỡ, nhiều nhất là 3 tháng là có thể kiểm soát hoàn toàn Đài Loan.
Mặc dù hiện nay ai cũng cho là Trung Quốc có đủ khả năng chống lại các thế lực can thiệp, nhưng trước khi thu hồi Đài Loan, tốt nhất là tiến hành bố trí thế cục, để Mỹ, Nhật Bản không kịp hoặc không dám tham chiến, như vậy Trung Quốc mới có thể thần tốc đánh chiếm Đài Loan. Tốt nhất là gây ra một, hoặc hai cuộc chiến tranh trước đó, ví dụ như chiến tranh Ixraen-Iran, chiến tranh Nga-Nhật, chiến tranh Ấn Độ-Pakixtan, hay đối đầu giữa hai miền Triều Tiên, như vậy Mỹ, Nhật Bản khó có thể kịp thời hoặc không dám tham chiến.
Đương nhiên, cho dù Mỹ, Nhật Bản có tham chiến hay không, cuối cùng Trung Quốc đều giành chiến thắng, đây là điều không phải nghi ngờ. Nhưng khác biệt ở chỗ, nếu Mỹ, Nhật Bản tham chiến, nguyên khí kinh tế của Trung Quốc sẽ bị tổn thương nặng nề; nếu Mỹ, Nhật Bản không kịp hoặc không tham chiến, kinh tế của Trung Quốc sẽ không bị tổn thất.
Điểm có lợi nhất của cuộc chiến thống nhất Đài Loan là Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi đảo bao vây thứ nhất của Mỹ, để hướng ra Thái Bình Dương, như vậy Trung Quốc từ đó có thể tiến quân ra đại dương, mở rộng lợi ích thiết thân của Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng Mỹ cắt giảm chi tiêu quốc phòng sẽ bị suy yếu và khó lòng phát huy vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương
Cuộc chiến tranh thứ hai : Thu hồi các đảo tại Biển Đông (giai đoạn 2025-2030)
Sau khi Trung Quốc thống nhất Đài Loan, nghỉ ngơi chỉnh đốn nhiều nhất là 2 năm, trong khoảng thời gian này Trung Quốc tuyên bố với các nước có tranh chấp tại Biển Đông về thời hạn cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo là năm 2028, tất cả các nước xâm chiếm đảo của Trung Quốc tại Biển Đông có thể đàm phán với Trung Quốc trong khoảng thời gian này, hoàn trả các đảo xâm chiếm cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ xuất phát từ quan điểm láng giềng hữu nghị và phong cách nước lớn, Trung Quốc còn có thể bảo đảm một phần lợi ích kinh tế của các nước xung quanh đã đầu tư vào các đảo ở Biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo, đồng thời tịch thu toàn bộ lợi ích kinh tế, cũng như các khoản đầu tư trên các đảo này.
Cuộc chiến tranh thứ ba: Thu hồi Nam Tây Tạng (giai đoạn 2035-2040)
Hai mươi năm sau, mặc dù thực lực quân sự của Ấn Độ không bằng Trung Quốc, nhưng khi đó cũng sẽ là một trong số không nhiều nước lớn trên thế giới, vì vậy “đá chọi với đá” chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất, cho nên tác giả cho rằng tốt nhất là ngay từ bây giờ Trung Quốc phải tìm mọi cách khiến Ấn Độ bị chia cắt thành mấy nước nhỏ, để Ấn Độ không còn sức đối kháng với Trung Quốc, tuy nhiên sách lược chia cắt Ấn Độ không chắc chắn thực hiện được, nhưng ở mức độ thấp nhất cũng phải làm cho bang Assam tiếp giáp với Nam Tây Tạng (Ấn Độ gọi là bang Arunachal Pradesh) và Sikkim, làm suy yếu thực lực của Ấn Độ trong đối kháng với Trung Quốc, như vậy mới là thượng sách.
Trung sách là chuyển một lượng lớn vũ khí quân sự tiên tiến sang Pakixtan, trong khoảng thời gian năm 2035, ngầm giúp Pakixtan tấn công khu vực phía Nam Casơmia của Ấn Độ, giúp đỡ Pakixtan hoàn thành đại nghiệp thống nhất lãnh thổ. Tất nhiên, trong khi Ấn Độ và Pakixtan chưa thể kết thúc chiến tranh, Trung Quốc thần tốc tấn công Ấn Độ thu hồi khu vực Nam Tây Tạng bị chiếm đóng. Ấn Độ sẽ không thể cùng lúc tác chiến với hai cuộc chiến tranh, kết cục đều gặp thất bại, như vậy Trung Quốc có thể dễ dàng lấy lại khu vực Nam Tây Tạng, Pakixtan cũng có thể hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn Casơmia.
Sau khi thống nhất Đài Loan và thu hồi các đảo tại Biển Đông, kỹ thuật quân sự của Trung Quốc đã có bước phát triển nhạy vọt, các trang thiết bị vũ khí hải, lục, không quân và vũ trụ đều có bước tiến dài, nhiều kỹ thuật quân sự ở vào trình độ dẫn đầu thế giới, khi đó sức mạnh quân sự của Trung Quốc chỉ có thể xếp sau Mỹ. Với thực lực như vậy, trong cuộc chiến thu hồi Nam Tây Tạng, Ấn Độ chắc chắn chịu một cuộc đại bại. Ấn Độ không thể duy trì chiến tranh lâu dài, trong khi đó khả năng chiến tranh thần tốc của Ấn Độ lại kém xa so với Trung Quốc, vì vậy trong cuộc chiến này, Ấn Độ thất bại là điều không phải nghi ngờ. Trong cuộc chiến này, tuyệt đối không có quốc gia nào dám công khai giúp đỡ Ấn Độ. Nhiều khả năng nhất chỉ có 3 nước là Mỹ, Nga, Nhật Bản sẽ ngấm ngầm cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, nhưng động thái này sẽ không gây ra những vấn đề lớn. Ấn Độ không dám và không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù nói Ấn Độ đã có vũ khí hạt nhân, nhưng trong cuộc chiến này, Ấn Độ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vũ khí hạt nhân của Ấn Độ không đủ để huỷ diệt Trung Quốc; đã không thể huỷ diệt, một khi sử dụng, khả năng phản kích của Trung Quốc có thể huỷ diệt vĩnh viễn Ấn Độ. Sau khi thu hồi Nam Tây Tạng, Trung Quốc sẽ đóng trọng binh tại đây.
Cuộc chiến tranh thứ tư : Thu hồi đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu (giai đoạn 2040 - 2045)
Thời điểm đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc đã là cường quốc thế giới thật sự, khi đó Nhật Bản, Nga suy yếu; Mỹ, Ấn Độ không phát triển, Trung Quốc và châu Âu đồng thời nổi lên, là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc thu hồi đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu.
Nhiều nhất là trong vòng nửa năm, cuộc chiến có thể kết thúc, Trung Quốc đại thắng, Nhật Bản đành phải thừa nhận kết cục thất bại - đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu trở về vô điều kiện với Trung Quốc. Đông Hải trở thành nội hải của Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thứ năm : Thống nhất Ngoại Mông (giai đoạn 2045 - 2050)
Mặc dù, hiện nay có người cổ vũ Ngoại Mông (Mông Cổ) trở về Trung Quốc, nhưng điều này có hiện thực không? Trung Quốc cần đề xuất đại cương thống nhất với Ngoại Mông, tạo dựng bầu không khí dư luận xã hội Ngoại Mông trở về Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm những tộc người tại Ngoại Mông có mong muốn sáp nhập vào Trung Quốc để ra sức giúp đỡ, cố gắng để họ có thể tiếp cận tới tầng lớp có quyền quyết sách, nhằm chuẩn bị tốt cho sự nghiệp thống nhất Ngoại Mông. Bên cạnh đó, sau khi thu hồi Nam Tây Tạng, Trung Quốc cũng phải tuyên bố với các nước trên thế giới rằng Ngoại Mông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (!).
Nếu thế lực bên ngoài can dự hoặc Ngoại Mông cự tuyệt thống nhất, Trung Quốc cần phải làm tốt mọi sự chuẩn bị về trang bị vũ khí nhằm thống nhất Ngoại Mông. Tài liệu cho rằng Trung Quốc vẫn có thể áp dụng mô hình như đã thống nhất Đài Loan, đưa ra thời hạn cuối cùng để thống nhất là vào năm 2045, để Ngoại Mông có thời gian mấy năm suy nghĩ, khi đến thời điểm nếu không chủ động chấp nhận trở về, cuối cùng mới sử dụng vũ lực thống nhất.
Cuộc chiến tranh thứ sáu : Thu hồi lãnh thổ bị Nga xâm chiếm (giai đoạn 2055 - 2060)
Hiện nay, Trung-Nga được coi là láng giềng hữu nghị, song chẳng qua là vì có cùng mục tiêu chống Mỹ, thực chất vẫn tồn tại sóng ngầm và cảnh giác lẫn nhau. Sau khi giành thắng lợi trong 5 cuộc chiến tranh trước đó (khoảng năm 2050), Trung Quốc phải lên tiếng đòi Nga phải trả lại lãnh thổ đã xâm chiếm của Trung Quốc từ đời nhà Thanh, tạo dư luận trên toàn thế giới có lợi cho Trung Quốc, nhưng tốt nhất là khiến Nga một lần nữa bị giải thể, tách thành nhiều nước nhỏ.
Trước đây, Nga đã xâm chiếm tổng cộng khoảng 1,6 triệu km2 lãnh thổ của Trung Quốc, tương đương 1/6 tổng diện tích lãnh thổ lục địa của Trung Quốc hiện nay, Nga vẫn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Trung Hoa, cho nên sau khi kết thúc 5 cuộc chiến tranh trước, sẽ là thời điểm thích hợp để lấy lại lãnh thổ bị Nga xâm chiếm từ đời Thanh.
Mặc dù thời điểm này các phương diện về hải, lục, không quân và vũ trụ của Trung Quốc đã vượt Nga, nhưng rõ ràng đây là một cuộc chiến tranh nhằm vào một cường quốc hạt nhân, cho nên lúc đó Trung Quốc phải huy động mọi khả năng hạt nhân, như các loại vũ khí có khả năng đánh chặn hạt nhân tầm xa, tầm trung và tầm ngắn. Khả năng Nga đánh trả khi tiếp cận Trung Quốc là không thể, vì vào thời điểm này Nga đã không còn là đối thủ của Trung Quốc, chỉ có thể chấp nhận trả lại phần lãnh thổ đã xâm chiếm của Trung Quốc, nếu không cái giá phải trả là quá đắt.
Sau khi kết thúc 6 cuộc chiến tranh, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự duy nhất trên thế giới, Trung Quốc cùng với châu Âu, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Phi và Brazil thiết lập trật tự thế giới mới do Trung Quốc chủ đạo./.