Câu hỏi:
Tháng 8/2009, hộ gia đình bà Bùi Thị A. bị thu hồi đất, đã ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhưng có hành vi ngăn chặn không cho nhà thầu thi công nên Ban Giải phóng mặt bằng buộc phải huy động lực lượng chuẩn bị cưỡng chế. Thấy vậy, bà A. không dám ngăn chặn nữa, chỉ to tiếng cãi, cự.
Sau cưỡng chế, Ban Giải phóng mặt bằng ra thông báo gửi bà A., nêu rõ cơ quan này đã 3 lần mời đến nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB nhưng gia đình không nhận. Vì vậy, Ban GPMB đã gửi số tiền bồi thường, hỗ trợ của hộ gia đình này vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Công thương tỉnh. Hơn 1 năm sau, bà A. mới đến xin nhận khoản tiền này, khi ấy có lãi phát sinh. Lúc đầu, Ban GPMB nộp ngân sách Nhà nước khoản tiền lãi này, nhưng sau đó, đã trả lại cho bà A. cả tiền gốc lẫn lãi. Xin hỏi: Đối với khoản lãi phát sinh, chuyển vào ngân sách Nhà nước là đúng hay trả lại cho bà A. là đúng? (Phạm Ngọc Thành, TP Hưng Yên).
Trả lời:
Ban GPMB gửi khoản tiền bồi thường, hỗ trợ của hộ gia đình bà A vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 58 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP: Trường hợp người bị thu hồi đất không nhận tiền chi trả về bồi thường, hỗ trợ thì “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chuyển khoản tiền chi trả vào tài khoản riêng mở tại ngân hàng”.
Nộp ngân sách Nhà nước khoản lãi gửi ngân hàng từ số tiền bồi thường, hỗ trợ mà người bị thu hồi đất được hưởng thể hiện sự thận trọng của Ban GPMB, nhưng thiếu cơ sở pháp lý, vì không có cơ quan có thẩm quyền nào quy định lãi tiền gửi của người dân là một “khoản thu” ngân sách Nhà nước, trong khi tại Khoản 1 Điều 68, Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Những khoản thu không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả tổ chức, cá nhân đã nộp”.
“Vướng mắc” xảy ra khi Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định gửi tiền bồi thường, hỗ trợ vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng (trong trường hợp người dân chưa nhận) mà không hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, hộ gia đình bà A. được hưởng tiền lãi ngân hàng là hợp lý, vì xét bản chất sự việc, tiền gửi ngân hàng là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà A.; Ban Giải phóng mặt bằng chỉ là người “tạm giữ” và “gửi hộ” tiền vào ngân hàng nên không có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng hay quyền định đoạt đối với lãi phát sinh từ khoản tiền này (là tài sản ở dạng tiền tệ do bà A. là chủ sở hữu).
Đây là cách hiểu phù hợp với quy định tại Điều 164 Bộ Luật Dân sự: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản”.
Để áp dụng pháp luật được đúng đắn, Ban GPMB đã căn cứ vào các quy định khác của pháp luật, đặc biệt là căn cứ các quy định của Bộ luật Dân sự về các quyền của chủ sở hữu. Đây là việc làm đúng đắn, đáng hoan nghênh.
(Bài đăng trên Báo Công an nhân dân Online, số ra ngày 21/10/2013)
(Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp thuộc Hãng Văn phòng Luật sư NewVision)