Bộ Y tế: Chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh

Chủ đề   RSS   
  • #612931 18/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Bộ Y tế: Chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh

    Sau sự việc bê bối ở Viện pháp y tâm thần Biên Hòa, chiều ngày 17/6/2024 Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp vào về việc chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc

    Toàn cảnh cuộc họp

    Chiều ngày 17/6/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến về “Chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc”. Tham dự có đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ Y tế, 10 cơ sở y tế thuộc lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.

    Kết luận cuộc họp, trên cơ sở thảo luận, thống nhất của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kết luận, chỉ đạo như sau: lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh rất khó khăn, phức tạp, gặp nhiều vướng mắc và hạn chế cả về cơ sở vật chất, nhân lực. 

    Tuy nhiên Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng không để xảy ra hành vi tiêu cực trong giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. Vấn đề ở đây là khâu tổ chức triển khai thực hiện và ý thức của một số cá nhân chưa tốt nên dẫn đến vi phạm. 

    Sự việc xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà là điều cảnh tỉnh để các đơn vị, cơ sở y tế tổ chức thực hiện. 

    Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh, đề nghị các đơn vị quán triệt đến 100% cán bộ và triển khai các nhiệm vụ cụ thể:

    Đối với các đơn vị thực hiện giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh:

    - Khi thực hiện tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu của cơ quan tố tụng, của các tổ chức, cá nhân để giám định phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định của Luật Giám định tư phápThông tư 23/2019/TT-BYT

    - Các giám định viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BYT 

    - Nghiêm túc thực hiện tự kiểm tra đánh giá hoạt động của đơn vị theo các tiêu chí và bảng điểm được quy định tại Quyết định 5092/QĐ-BYT

    - Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, chủ động triển khai ký hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế thực hiện khám chuyên khoa, khám cận lâm sàng cho các đối tượng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí và quản lý chặt chẽ đối tượng; tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát về tình hình, kết quả giám định theo quyết định trưng cầu; chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; chỉ bàn giao kết luận giám định, đối tượng giám định cho các nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật

    - Có hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân trong cơ quan, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ được phân công

    - Rà soát, tổng hợp và đề xuất nội dung cụ thể để sửa đổi các văn bản quy định không còn phù hợp và báo cáo Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh)

    - Các đơn vị trong hệ thống giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh cần chủ động tham mưu Bộ Y tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiên cứu kỹ các văn bản Luật, các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế đảm bảo ban hành các kết luận giám định khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong nội bộ đơn vị nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các trường hợp trốn viện đã xảy ra để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, quản lý;

    - Đối với hoạt động của Hội đồng Giám định và Hội đồng chuyên môn: Đảm bảo công tâm và khách quan, phát huy trách nhiệm, vai trò của Hội đồng chuyên môn để tư vấn cho Hội đồng giám định;

    - Rà soát, sắp xếp riêng khoa/khu/buồng điều trị đối với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; đối với các đơn vị đã thành lập khoa điều trị bắt buộc chữa bệnh: Hạn chế thấp nhất việc để bệnh nhân tâm thần thông thường điều trị chung với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; bố trí riêng khu bệnh nhân nam – nữ. Đối với các đơn vị chưa thành lập khoa điều trị bắt buộc: rà soát, củng cố đảm bảo đủ điều kiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;

    - Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý khoa, phòng, kíp trực, nhân viên y tế. Rà soát các quy chế, quy định về quản lý ra vào khoa/phòng điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh; nghiêm cấm, không được mang vào phòng điều trị các vật dụng không được phép; ban hành quy định và có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện/cố tình không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công; kiểm tra và khắc phục ngay hệ thống camera giám sát quản lý người bệnh;

    - Phối hợp với địa phương, gia đình người bệnh bắt buộc chữa bệnh nhằm đảm bảo trong việc bàn giao bệnh nhân sau khi ổn định bệnh, kiên quyết không để tồn đọng bệnh nhân đã ổn định tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh; rà soát, bổ sung quy chế người nhà thăm bệnh nhân tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh hợp lý, phù hợp, đảm bảo công tác quản lý người bệnh. Chủ động đề xuất, xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ sở bắt buộc chữa bệnh và công an tại địa phương để quản lý và bàn giao khi bệnh nhân quay lại thực thi pháp luật;

    - Đối với việc chuyển viện, chuyển tuyến khám chuyên khoa tại các bệnh viện chuyên khoa: nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Quyết định 5091/QĐ-BYT. Báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 8), Cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bệnh nhân và Sở Y tế nơi cơ sở chuyên khoa đóng trụ sở để kịp thời hướng dẫn xử lý khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh lợi dụng bỏ trốn

    - Chủ động ký kết hợp đồng trách nhiệm hoặc cam kết giữa cơ sở bắt buộc chữa bệnh với cơ sở điều trị chuyên khoa trong việc phối hợp quản lý và điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh (điều trị bệnh lý tâm thần và bệnh lý chuyên khoa) khi điều trị tại cơ sở chuyên khoa khác.  Nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương và các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

    Đối với Thanh tra Bộ Y tế: 

    Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh rà soát công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh các đơn vị xong trước ngày 30/6/2024. Trên cơ sở kết quả rà soát, tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với các đơn vị có biểu hiện vi phạm trong giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh; đồng thời hằng năm, đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra trình Bộ Y tế xem xét, quyết định;

    Đối với Cục Quản lý khám, chữa bệnh:

    Chủ trì phối hợp với Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu đề xuất phương án tháo gỡ để duy trì hoạt động của Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai; xây dựng kế hoạch tổng kết hoạt động của lĩnh giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh năm 2023 (xong trước 25/6/2024) kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng.

    (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)

    Link bài viết: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/chan-chinh-cong-tac-giam-inh-phap-y-tam-than-va-bat-buoc-chua-benh

     
    166 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận