Sáng ngày 29/5/2018, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VCM – VietNam Mediation Center) và công bố Quy tắc hòa giải.
Có thể thấy rằng trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình và sử dụng các phương thức thay thế khác, trong đó, lựa chọn được dùng nhiều là trọng tài thương mại. Trên cơ sở đó, sự ra đời của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) sẽ là một trong vài tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải theo Quy tắc Hoà giải. Và Quy tắc hòa giải của VCM bộ Quy tắc VMC được chắp bút bởi tổ biên tập với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ và dựa trên cơ sở Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã thể chế hóa Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Chủ tịch VIAC Trần Hữu Huỳnh trao quyết định ra mắt cho VMC
Bộ Quy tắc hòa giải VMC bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại VMC.
Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại:
- Điều 3: Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải;
- Điều 4: Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho biết những đặc điểm chính của thủ tục hòa giải tại VMC bao gồm:
(i) Sự đồng thuận của các bên trong suốt quá trình hòa giải: thủ tục hòa giải sẽ không thể diễn ra nếu có bất cứ một bên nào không muốn tham gia hòa giải hoặc tiếp tục hòa giải – đây là sự khác biệt căn bản giữa một thủ tục hòa giải với bất cứ thủ tục tố tụng nào (trọng tài hay Tòa án) – Điều 3, Điều 4, Điều 13 Quy tắc VMC;
(ii) Các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao: không có thủ tục khiếu nại tư cách Hòa giải viên, nếu có thông tin về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên, thủ tục chỉ định mới/thay thế Hòa giải viên sẽ được bắt đầu, trừ khi các bên đồng ý bằng văn bản rằng vẫn đồng ý Hòa giải viên này – Điều 5, Điều 7 Quy tắc VMC;
(iii) Nguyên tắc hai tầng bảo mật: toàn bộ các thông tin, trao đổi trong thủ tục hòa giải sẽ được giữ bí mật giữa các bên và Hòa giải viên; các thông tin, trao đổi được một bên đưa ra trong phiên họp riêng giữa bên đó với Hòa giải viên còn phải được giữ bí mật giữa bên cung cấp thông tin và Hòa giải viên – Điều 8, Điều 11 Quy tắc VMC.
Ngoài ra, Quy tắc VMC cũng có quy định rõ về vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải (Điều 4, Điều 8 Quy tắc VMC) để đảm bảo rằng các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hòa giải tại VMC.
Các bạn có thể theo dõi đầy đủ nội dung của bộ Quy tắc hòa giải VMC tại file đính kèm
Nguồn: Bài viết có sự tham khảo tư liệu từ Viac.vn
Cập nhật bởi lanbkd ngày 05/06/2018 09:06:40 CH