Cụ thể hơn như sau:
7 chuẩn mực đạo đức của thẩm phán phải tuân thủ như sau:
Tính độc lập
- Trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào.
- Thẩm phán phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử, với những người tiến hành tố tụng khác và với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài tòa án.
- Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác.
Liêm chính
- Thẩm phán phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực.
- Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc người khác...
- Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
Vô tư, khách quan
- Thẩm phán phải vô tư, khách quan; thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào.
- Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật,...
- Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Công bằng, bình đẳng
- Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ.
- Trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán không được và không cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính,...
Đúng mực
- Trong hoạt động của mình, thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác.
- Tại phiên tòa, thẩm phán không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác.
Tận tụy và không chậm trễ
- Thẩm phán phải tận tụy với công việc và cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao.
- Khi giải quyết các vụ việc, thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.
Năng lực và sự chuyên cần
- Thẩm phán phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm,...
- Thẩm phán phải luôn tự cập nhật thông tin để nắm bắt kịp thời về sự phát triển của pháp luật, các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
- Thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”.
Thẩm phán phải làm những việc sau khi thực hiện nhiệm vụ:
- Thực hiện việc giải quyết các vụ việc được phân công theo đúng quy định pháp luật; từ chối tiến hành tố tụng theo quy định pháp luật.
- Bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết các vụ việc; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
- Giải thích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng.
- Tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đúng nơi quy định.
Những việc không được làm khi thực hiện nhiệm vụ
- Những việc pháp luật quy định công dân không được làm.
- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc.
- Mang hồ sơ vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ việc ra khỏi cơ quan.
- Tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.
- Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự,...
- Gợi ý cho bị can, bị cáo cung cấp tài liệu, khai báo không khách quan, trung thực.
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của mình, của cán bộ thuộc tòa án và các cơ quan liên quan khác.
- Tiết lộ bí mật nghề nghiệp, kinh doanh, cá nhân, gia đình của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Không được công khai quan điểm khi chưa có bản án
Theo điều 12 Bộ quy tắc, khi làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí thẩm phán phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền phân công theo quy định pháp luật.
- Khi chưa ban hành bản án, quyết định, thẩm phán không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.
- Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho thông tấn, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định.
- Thẩm phán có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi hoạt động này không gây ảnh hưởng đến giải quyết vụ việc.