Tại Thụy Điển, có một điều luật rất đặc biệt được ban hành từ năm 1979 và cho đến nay vẫn được thực thi đó là cấm bố mẹ đánh vào mông con mình. Điều này khiến nhiều người coi là hơi ngớ ngẩn và không khỏi tò mò khi luật này chỉ quy định không được đánh vào mông, không biết khi đánh vào các bộ phận khác thì sẽ thế nào và liệu có phải chịu hình phạt hay không.
Người Thụy Điển dường như đang làm tốt điều này sau vài thập kỷ chính phủ thông qua một điều luật quy định không được trừng phạt thân thể hay đối xử thiếu tôn trọng với trẻ. Dù ban đầu cũng có chút hoài nghi, đến ngày nay, người Thụy Điển thậm chí còn quên cả điều luật này và những em bé ở đất nước họ đang phát triển tốt.
Ví dụ của Thụy Điển đã tạo cảm hứng cho một số nước như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Australia đưa ra các điều luật về việc không sử dụng đòn roi với trẻ. Những nước này và nhiều nước khác ở châu Âu đã cấm việc trừng phạt thể chất trong trường học từ nhiều năm trước.
Luật năm 1979 của Thụy Điển phản ánh một sự tiến bộ về kinh tế, chính trị xã hội, cũng như hệ thống giá trị tiên tiến.
Trước chiến tranh thế giới thứ nhất và thậm chí là thứ hai, Thụy Điển về cơ bản là một nước nông nghiệp nghèo nàn bị ảnh hưởng đáng kể của chủ nghĩa độc tài Đức và giáo lý Lutheran. Việc nuôi dạy trẻ bao gồm cả hình thức thường xuyên đánh đập bé để "đuổi ma quỷ và dành chỗ đón ý Chúa"
Với sự công nghiệp hóa, thành thị hóa sau chiến tranh, sự ảnh hưởng của tôn giáo lên việc nuôi dạy trẻ dần mất đi. Thụy Điển thịnh hành nền dân chủ xã hội, với sự coi trọng quyền và sự bình đẳng cho tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em. Hệ thống phúc lợi xã hội hỗ trợ về tài chính, dịch vụ và nguồn lợi bảo hiểm hỗ trợ cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.
Các bố mẹ Thụy Điển ngày nay kỷ luật con họ thì dựa vào nhiều hình thức thay thế việc đánh đòn. Phương pháp phổ biến nhất là giải quyết xung đột bằng lời nói - tạo điều kiện để cả trẻ và cha mẹ thể hiện cơn giận của mình bằng từ ngữ. Bố mẹ tin rằng sự trao đổi bao gồm cả sự tiếp xúc mắt, giúp lôi kéo sự chú ý của trẻ.
Giao tiếp bằng lời nói trở thành một kỹ năng được phụ huynh Thụy Điển sử dụng thành thục.
Để giao tiếp với trẻ sơ sinh và trẻ tuổi chập chững - những em bé chưa thể trò chuyện nhiều, bố mẹ Thụy điển cố gắng để tránh xung đột. Họ đặt các vật che chắn kỹ lưỡng trong nhà để trẻ được an toàn. Trợ cấp xã hội bao gồm khoản chi trả cho bố mẹ đi làm, cho phép một người ở nhà trông con suốt 15 tháng đầu đời của trẻ... cũng giúp giảm bớt áp lực cho cha mẹ, để họ đỡ căng thẳng khi nuôi dạy con.
Quan điểm này được phụ huynh tại các nước láng giềng ủng hộ. Nhà báo Judith Woods tại Anh kể, khi con gái 5 tuổi của mình phụng phịu không chịu tắt tivi và hét lên “con không còn là bạn của mẹ nữa” thì cô nói rất nghiêm khắc rằng: “mẹ chưa bao giờ là bạn của con cả, con yêu. Bạn thì không giặt vớ cho con, bạn cũng không mua quần áo ấm vào mùa đông và bạn cũng không đánh răng cho con phải không nào? Bây giờ tắt tivi, thay quần áo và đi đến trường ngay”.
Cô cũng không đồng tình với mối quan hệ phẳng không biên giới giữa cha mẹ và con cái vì như thế trẻ con không biết tôn ti trật tự và ai sẽ là người thúc đẩy chúng vươn lên. Sự cứng rắn, công bằng không có nghĩa là thiếu niềm vui giữa cha mẹ và con cái.
Làm cha mẹ là một nghệ thuật chứ không giống như làm khoa học, Judith cho biết tuy rất khó và cô đã nhiều lần cảm thấy bất lực, nhưng cô vẫn không ngừng cố gắng tìm ra cách dung hòa hiệu quả nhất.