Ngày 14/9/2024, Bộ Công Thương đã thông qua Công điện hỏa tốc 7086/CĐ-BCT chỉ đạo tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo Công điện hỏa tốc 7086/CĐ-BCT của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý các hàng hóa phục vụ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân sau bão.
>>> Xem Công điện 7086/CĐ-BCT tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/16/cong-dien-7086.pdf
Đặc biệt là các loại hàng hóa: thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và các loại vật tư, sinh phẩm, giống cây trồng, vật nuôi…
Để thực hiện tốt công tác trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
1- Vụ Thị trường trong nước
- Tiếp tục triển khai Tổ công tác tiền phương theo Quyết định 2421/QĐ-BCT để nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu.
- Điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh bị ảnh hưởng mưa, lũ và các tỉnh khác (ưu tiên hàng từ miền Trung và miền Nam) theo đề nghị địa phương, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho học sinh, bệnh nhân và nhóm yếu thế.
- Tổng hợp khó khăn trong cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, đề xuất hướng xử lý khẩn cấp và báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ khi vượt thẩm quyền.
- Phối hợp với các cơ quan, báo chí cung cấp thông tin kịp thời về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu.
2- Tổng cục Quản lý thị trường
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 6815/CĐ-BCT.
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường giám sát, triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
- Phối hợp với cơ quan truyền thông công khai hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai để thu lợi bất chính, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.
3- Cục Công nghiệp
Theo dõi tình hình sản xuất các mặt hàng công nghiệp, trong đó chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm công nghiệp, mặt hàng sắt thép, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phục vụ quá trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương sau bão số 3.
4- Cục Xuất nhập khẩu
Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước rà soát nguồn cung nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu, ưu tiên nông sản miền Bắc sắp thu hoạch.
5- Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chỉ đạo các công ty điện lực bảo đảm nguồn điện cho trạm bơm tiêu úng, khôi phục vùng trồng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
- Huy động lực lượng ở các địa phương ít bị ảnh hưởng hỗ trợ khắc phục sự cố điện
6- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
(i) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập
- Theo dõi thị trường, triển khai biện pháp sử dụng hàng dự trữ để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho vùng bị ảnh hưởng.
- Đánh giá tình hình giá cả, gửi văn bản đề xuất bình ổn giá nếu cần.
- Chỉ đạo cung cấp hàng hóa lưu động, kết nối nguồn hàng từ địa phương khác.
- Đề xuất điều phối hàng thiết yếu cho vùng bị chia cắt, phối hợp với các lực lượng hỗ trợ.
- Kết nối cung cầu lương thực, thực phẩm gặp khó khăn do bão.
- Tăng cường vận chuyển hàng hóa từ miền Trung, miền Nam để đáp ứng nhu cầu.
- Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn, báo cáo tình hình thị trường hàng ngày.
(ii) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác
- Rà soát năng lực cung ứng hàng hóa, phối hợp điều phối nguồn hàng cho địa phương bị ảnh hưởng.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất.
- Hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi bão.
7- Thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu
- Đảm bảo nguồn cung xăng dầu liên tục và đúng giá, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
- Thực hiện nghiêm việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống
- Chuẩn bị phương tiện vận tải để cung ứng kịp thời, đặc biệt ở miền Bắc.
- Có phương án cung cấp xăng dầu lưu động đến những khu vực ngập, lụt, mất điện chưa khôi phục ngay được cơ sở hạ tầng.
- Chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng đã ký nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc.
8- Thương nhân kinh doanh hàng hóa thiết yếu
- Doanh nghiệp sản xuất: tăng cường năng lực cung ứng hàng thiết yếu cho vùng thiệt hại. Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu
- Doanh nghiệp phân phối: điều phối nguồn hàng từ miền Trung, miền Nam để cung ứng kịp thời cho các tỉnh phía Bắc; không được đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý dưới bất kỳ hình thức nào.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nêu trên tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm các Công điện và báo cáo hàng ngày về Bộ Công Thương.
Xem chi tiết hơn tại Công điện hỏa tốc 7086/CĐ-BCT ngày 14/9/2024.
>>> Xem Công điện 7086/CĐ-BCT tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/16/cong-dien-7086.pdf