Thực tế hiện nay, ở các trường tư, giáo viên đã làm việc theo hợp đồng, không khác các doanh nghiệp. Ở các trường công lập, chỉ còn hiệu trưởng là công chức.
Ở bậc Đại học, Trưởng phó khoa và trưởng đơn vị có thể là công chức. Còn lại giảng viên, nhân viên tất cả đều là viên chức và làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn.
Khái niệm “biên chế” như ta thường hiểu xưa nay, là một chỗ làm suốt đời và không thể mất việc trừ khi vi phạm nghiêm trọng.
Nhưng từ khi có Luật Viên chức, biên chế đã không còn áp dụng cho giáo viên mà chỉ còn áp dụng cho công chức. Thay đổi sắp tới nếu có, là chuyển giáo viên ở các trường công từ viên chức sang hợp đồng, xét về quyền lợi của người lao động không phải là thay đổi quá lớn.
Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ có vậy.
Những điểm hữu ích của việc chuyển giáo viên sang hợp đồng lao động đã được nhiều người đề cập: tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh giữa khu vực trường công và trường tư, tạo ra cơ chế trả lương linh hoạt, kích thích giáo viên học hỏi và nâng cao trình độ. Những điểm e ngại, ngoài nỗi lo mất việc của giáo viên, là biến hiệu trưởng thành người có quyền sinh quyền sát tuyệt đối trong trường, hạ thấp cả tư cách lẫn khả năng sáng tạo của giáo viên, biến họ thành con giun cái kiến trong trường.
Chế độ làm việc của các thầy cô giáo phải được nhìn trong tương quan với lợi ích của học sinh. Đặc thù công việc của nghề giáo chỉ có nghĩa là, các thầy cô giáo cần có một khoảng không gian tự do nhất định để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, và nhà trường cần tuyển được những giáo viên có đủ năng lực sử dụng khoảng không gian tự do ấy cho mục tiêu giáo dục đã định.
Để có thể thực hiện được vai trò giáo dục ấy, thầy cô giáo cần phải có tiếng nói quan trọng trong nhà trường, đặc biệt là trong việc tuyển chọn hiệu trưởng.
Nói cách khác, quyền lực của hiệu trưởng và giáo viên phải được cân bằng, thông qua hội đồng sư phạm do giáo viên bầu chọn. Hội đồng sư phạm cần có tiếng nói trong việc đánh giá và lựa chọn hiệu trưởng, cùng với hội đồng trường, hội đồng phụ huynh và cơ quan cấp trên. Còn hiệu trưởng thì có quyền quyết định đánh giá và tuyển dụng với cá nhân từng giáo viên, dựa trên các chuẩn mực và yêu cầu công việc trong hợp đồng.
Vấn đề là, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước ai? Hiện nay, hiệu trưởng hầu như chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên đã bổ nhiệm họ, mà không có cơ chế giải trình trách nhiệm của họ với giáo viên và phụ huynh.
Cập nhật bởi DT_DA ngày 05/06/2017 10:26:24 CH