Chiều 07/04/2024, Công an TP Hải Phòng đã bắt và tước danh hiệu CAND đối với hai nữ cán bộ công an có mặt, tham gia bữa tiệc ma túy. Vậy ngoài trường hợp trên thì cán bộ công an còn bị tước danh hiệu trong những trường hợp nào?

(1) Bị tước danh hiệu Công an Nhân dân trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BCA về áp dụng hình thức xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh như sau:
- Liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước.
- Thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, quy trình công tác, quy chế làm việc.
- Chế độ thông tin báo báo, ra chỉ thị, mệnh lệnh và thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh.
- Thanh tra, kiểm tra.
- Trật tự an toàn giao thông.
- Sản xuất trái phép, làm giả trang phục, cấp hiệu, số hiệu CAND.
- Sử dụng giấy chứng nhận CAND, giấy chứng minh CAND, số hiệu CAND và giấy tờ được cấp khác để phục vụ công tác.
- Sử dụng chất gây nghiện trái phép, đánh bạc, hoạt động mê tín, dị đoan, sử dụng rượu, bia, chất có cồn; văn hóa ứng xử.
- Quản lý, sử dụng tài liệu, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật chứng, phương tiện nghiệp vụ, tài sản.
Theo đó, cán bộ công an vi phạm một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử lý kỷ luật từ hình thức Khiển trách đến Tước danh hiệu Công an nhân dân.
(2) Quy trình Tước danh hiệu Công an nhân dân như thế nào?
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2021/TT-BCA, quy trình tước danh hiệu công an nhân dân đối với cán bộ vi phạm điều lệnh diễn ra như sau:
- Lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm viết bản tự kiểm điểm về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức xử lý vi phạm.
- Tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm.
Sau đó, căn cứ theo nội dung tự kiểm điểm và kết quả xác minh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ công tác của cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định.
Tuy nhiên, quy trình nêu trên cũng loại trừ trường hợp vi phạm của cán bộ, chiến sĩ đã rõ ràng thì không cần xác minh.
(3) Bị đuổi, đã ra khỏi ngành Công an có xin vào lại được không?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 70/2019/NĐ-CP, đối tượng được tuyển chọn vào ngành công an bao gồm:
- Công dân là nam/nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định.
- Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của CAND, trường hợp tự nguyện và CAND có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
- Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND để phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ.
Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Có lý lịch rõ ràng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
- Có bằng tốt nghiệp THPT trở lên. Trường hợp ở các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp THCS.
- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, ở thời điểm hiện tại không có quy định cấm trường hợp bị đuổi hay xin ra khỏi ngành công an xin lại vào ngành. Tuy nhiên, để có thể quay lại phục vụ trong ngành công an thì cần phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định như đã nêu trên.