Bà Phương Hằng có phải trực tiếp có mặt giải quyết tố cáo? - Minh họa
Ca sĩ Vy Oanh nộp đơn tố cáo bà Phương Hằng, tuy nhiên nếu bà Phương Hằng không muốn trực tiếp đến cơ quan chức năng để giải quyết tố cáo này, bà có thể ủy quyền cho người khác đi thay được hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu quy định của pháp luật về Tố cáo. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Luật Tố cáo 2018, người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
“a) Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo;
b) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
d) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.”
Theo đó, việc “có mặt để làm việc” là hoàn toàn bắt buộc, tức bà Hằng không thể ủy quyền để người khác có mặt thay!
Mặt khác, trước đây từng có nhiều lần bà Hằng bị cơ quan chức năng mời lên làm việc liên quan đến một số hành vi của mình, tuy nhiên những lần này bà đều ủy quyền cho người khác có mặt thay, đó là bởi vì các lẽ sau:
(1) Nếu bà Hằng đương sự trong một vụ kiện, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bà hoàn toàn không bị cấm ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay cho mình.
(2) Nếu bà Hằng bị xử phạt hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không có quy định cấm bà ủy quyền cho người khác nộp phạt thay
(3) Nếu cơ quan chức năng mời bà đến để tìm hiểu, làm rõ một vụ việc nào đó, cũng không có quy định nào bắt buộc bà phải nhận lời mời và trực tiếp đến làm việc!
Như vậy, khác với những lần trước đây, lần này bà Hằng sẽ phải trực tiếp có mặt để giải quyết tố cáo của người khác dành cho mình nếu cơ quan chức năng yêu cầu!