Vừa qua, vào ngày 30/6/2017 tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 12 người bị thương và 4 người tử vong. Một trong bốn nạn nhân tử vong bị nhiễm HIV. Trong quá trình cấp cứu, có 17 y bác sĩ và 7 người dẫn đã tiếp xuất trực tiếp với máu của người bị nhiễm nên có nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV.
Điều đáng lưu ý là trên mạng xã hội lan truyền thông tin rằng người dân tham gia cấp cứu được yêu cầu phải trả tiền khi đến bệnh viện đề nghị xin thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Điều này đã gây ra làn sóng bức xúc lớn trong dư luận. Hầu hết mọi người cho rằng hành động cứu người là đáng nên làm và việc người dân tham gia cấp cứu bị phơi nhiễm HIV mà không được cấp thuốc miễn phí là điều không thể chấp nhận.
Theo quy định hiện hành, thuốc điều trị phơi nhiễm HIV chỉ được được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Cụ thể, theo Quyết định 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
“Điều 2. Người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thuộc các đối tượng sau đây được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 3 của Quyết định này:
1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ sở y tế dân y và lực lượng vũ trang, cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, hoặc cơ sở cai nghiện ma túy;
2. Cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân làm việc tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hoặc trong khi thi hành công vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị;
3. Cán bộ, công chức là thành viên tổ công tác cai nghiện quy định tại Điều 13 của Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;
4. Cán bộ, công chức chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội;
5. Học sinh thực tập tại các cơ sở y tế do Nhà nước quản lý và người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này.”
Do đó, những người dân tham gia cấp cứu không thuộc đối tượng được cấp miễn phí thuốc điều trị phơi nhiễm HIV.
Tuy nhiên, chúng ta đồng ý việc không cấp thuốc miễn phí là đúng quy định nhưng lại thiếu tình người. Việc cứu người là hành động tốt đẹp nhưng lại không được đáp đền, điều đó gây nên sự bức xúc và làm giảm lòng tin vào những điều tốt đẹp. Do đó, vừa qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị cho cán bộ y tế và cả 7 người dân tham gia cấp cứu và có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này.
Như vậy, từ tình huống thực tế này giúp chúng ta phát hiện ra những bất cấp của pháp luật, thiết nghĩ cần bổ sung quy định những trường hợp đặc biệt được điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí, như trường hợp cứu người vừa xảy ra.