Bị nợ tiền đóng BHXH thì rút BHXH 1 lần được không?

Chủ đề   RSS   
  • #610959 25/04/2024

    Bị nợ tiền đóng BHXH thì rút BHXH 1 lần được không?

    Bị công ty nợ tiền đóng BHXH trong thời gian làm việc ở công ty cũ, muốn rút BHXH một lần có được không?

    1. Trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động:

    Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm

    - Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

    - Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

    - Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

    - Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

    - Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

    - Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

    - Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

    - Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

    Như vậy, việc đóng BHXH cho người lao động là một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh hay vì lý do nào đó mà nợ tiền đóng BHXH của người lao động. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi hưởng các chế độ BHXH.

    2. Điều kiện rút BHXH 1 lần:

    Theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:

    -  Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

    - Ra nước ngoài để định cư;

    - Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

    - Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

    - Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

    Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì người lao động được yêu cầu hưởng BHXH một lần theo mức hưởng được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Có thể thấy, số năm đóng BHXH là căn cứ để xác định mức hưởng BHXH một lần của người lao động.

    3. Rút BHXH một lần trong trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng BHXH được không?

    Tại khoản 1.2 Điều 46 Văn bản hợp nhất 922/VBHN-BHXH năm 2023 quy đinh:

    "Điều 46.123 Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH

    Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH đối với một người có từ 2 sổ BHXH trở lên được quản lý theo Điều 33b.

    1. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH

    ...

    1.2. Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

    Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH."

    Trường hợp công ty chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ tính đến thời điểm đã đóng đủ bảo hiểm xã hội. Như vậy, theo tinh thần quy định trên, thời gian mà công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội sẽ không tính vào thời gia đóng bảo hiểm xã hội và sẽ được xác nhận bổ sung trên sổ BHXH sau khi thu hồi được tiền.

    Do đó, người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần nếu đủ điều kiện, mức hưởng bảo hiểm xã hội  một lần sẽ căn cứ vào số năm đã đóng bảo hiểm xã hội (không tính khoảng thời gian công ty cũ không đóng bảo hiểm xã hội cho anh).

     

     

     
    1731 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận