Chia thừa kế là một dạng bài tập khác phổ biến trong môn học về pháp luật dân sự (thường rơi vào phần I của chương trình học, còn phần II sẽ là pháp luật về hợp đồng). Bài viết dưới đây tác giả xin mạn phép đưa ra một số lưu ý (được xem như BÍ KÍP hehe), mong rằng phần nào sẽ giúp các bạn đỡ bối rối, lấn cấn mỗi khi gặp bài tập về chia thừa kế và có thể hoàn thành bài làm một cách chính xác, trọn vẹn nhất.
Các bước tiến hành giải bài tập chia thừa kế nên thực hiện theo thứ tự sau:
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU YÊU CẦU CHIA THỪA KẾ
Việc thực hiện “quyền yêu cầu chia thừa kế; quyền yêu cầu xác nhận hay bác bỏ quyền thừa kế; quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản sẽ mất đi” đều phải thực hiện trong khoảng thời hiệu luật định. Theo đó, nếu việc thực hiện quyền nằm ngoài thời hiệu luật định thì các chủ thể có quyền được xem là từ bỏ quyền của mình và đương nhiên dẫn đến hậu quả pháp lý là các quyền đó sẽ không được pháp luật công nhận nữa.
Hiện nay, thời hiệu về thừa kế được ghi nhận cụ thể tại Điều 623 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 như sau:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
|
BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH DI SẢN THỪA KẾ
Pháp luật quy định: "Di sản bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác" (Điều 612 BLDS 2015).
Như vậy, di sản thừa kế bao gồm:
– Các tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người để thừa kế, gồm có các loại tài sản như: thu nhập hợp pháp; nhà ở; tư liệu sinh hoạt; của cải để dành; các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại; cũng có thể có cả tài sản thừa kế nhận được từ người khác.…
- Các tài sản thuộc sở hữu chung với người khác: điển hình của dạng tài sản chung này đó chính là tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, khi xác định di sản thừa kế, chúng ta cần xem xét vấn đề người chết là người độc thân hay đã kết hôn, nếu đã kết hôn thì cần phải xem tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung, phần tài sản chung thì pháp áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014 (về nguyên tắc chung sẽ là chia đôi nhưng có nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;…).
Cần lưu ý:
+ Di sản phải là những tài sản hợp pháp của người chết, còn các tài sản phi pháp sẽ không được chấp nhận để trở thành di sản thừa kế mà tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Tài sản gắn kiền với nhân thân người chết không được coi là di sản thừa kế.
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH HÌNH THỨC PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Có hai hình thức chia di sản thừa kế. Đó là chia theo di chúc và theo pháp luật. Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản thừa kế. Do vậy, nếu có di chúc hợp pháp (căn cứ vào Điều 630 BLDS để xác định tính hợp pháp của di chúc) thì di sản được ưu tiên chia theo di chúc. Với những trường hợp còn lại thì di sản sẽ được chia theo pháp luật:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
|
BƯỚC 4: THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI CHẾT ĐỂ LẠI
Nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại thường phát sinh từ một số căn cứ sau: quan hệ hợp đồng trước khi chết (vay, mượn, bồi thường thiệt hại,…); do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (tiền phạt, tiền thuế,…); chi phía tiến hành ma chay, mai táng,… Đây là những nghĩa vụ về tài sản buộc phải thực hiện bằng di sản thừa kế.
Cần lưu ý: Đối với những nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được). Thì không phải là di sản thừa kế của người đó.
Ví dụ: Nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ sẽ chấm dứt khi người chồng chết đi. Vì vậy, các người thừa kế không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản này.
Nghĩa vụ tài sản có thể được thực hiện trước hoặc sau khi đã phân chia di sản thừa kế:
+ Nếu việc thực hiện nghĩa vụ tài sản trước khi chia di sản thừa kế. Những người thừa kế sẽ thỏa thuận với nhau về vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản. Thỏa thuận đó sẽ được người quản lý tài sản thực hiện trên phần di sản hiện có.
+ Nếu đã chia, người thừa kế chỉ thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản nhận được. Nếu nghĩa vượt quá tài sản nhận được thì phần nghĩa vụ còn lại sẽ không được thực hiện. Trừ khi những người thừa kế chấp nhận bỏ tài sản riêng để hoàn thành.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản thực hiện trong phạm vi di sản do người chết để lại với thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ được quy định tại Điều 658 BLDS 2015:
Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác.
|
BƯỚC 5: PHÂN CHIA DI SẢN
Di sản được đem chia thừa kế sẽ là số di sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
>>>PHÂN CHIA THEO DI CHÚC:
Nếu xét di chúc hợp pháp thì sẽ tiến hành phân chia di sản theo ý chí, nguyện vọng của người quá cố như nội dung bản di chúc đó.
Sau khi xác định được danh sách những người thừa kế theo di chúc, cần phải xác định những người sẽ được nhận di sản thừa kế bằng việc loại bỏ đối tượng không được nhận, đó là “Người từ chối nhận di sản thừa kế.” Lưu ý là trường hợp người được hưởng thừa kế mà từ chối nhận di sản thừa kế thì phải lập văn bản gửi cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản và phải gửi đến trước thời điểm phân chia di sản thừa kế.
Khi phân chia di sản theo di chúc cần lưu ý các vấn đề sau:
+ Thứ nhất, những người được chia thừa kế theo di chúc phải còn sống sau thời điểm người để lại di sản. Pháp luật quy định người chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản sẽ không được thừa kế di sản.
+ Thứ hai, di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Thứ ba, di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản. Nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
+ Thứ tư, di sản dùng vào việc thờ cúng không được phân chia. Trường hợp di sản không đủ thực hiện nghĩa vụ thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng. Di tặng phải được ghi rõ vào trong di chúc. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ với phần được di tặng, trừ trường hợp không đủ thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản.
+ Thứ năm, di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
>>>PHÂN CHIA DI SẢN THEO PHÁP LUẬT:
Khi rơi vào các trường hợp chia theo pháp luật thì di sản sẽ được phân chia tuần tự như sau:
- Thứ nhất: Xác định người thừa kế theo pháp luật của từng hàng thừa kế theo Điều 651 BLDS 2015
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
|
Theo đó, việc chia di sản theo pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
+ Một là, thứ tự ưu tiên được chia di sản thừa kế lần lượt từ hàng thừa kế thứ nhất; thứ hai và cuối cùng là hàng thừa kế thứ ba. Những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo chỉ được hưởng khi không còn ai thuộc hàng thừa kế trước do đã chết; không có quyền hưởng di sản; bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Hai là, trong trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế chết hết nhưng họ có con, cháu thì áp dụng thừa kế thế vị cho đối tượng đó chứ chưa chuyển sang hàng thừa kế tiếp theo.
- Thứ hai: Xác định những người được thừa kế
Sau khi xác định được danh sách những người thừa kế trong hàng thừa kế. Tiếp theo sẽ phải xác định những người sẽ được nhận di sản thừa kế. Việc này được xác định thông qua loại bỏ những đối tượng không được nhận. Cụ thể, những đối tượng sau sẽ không được nhận di sản thừa kế:
+ Người không được quyền hưởng di sản (Điều 621);
+ Người từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620).
- Thứ ba: tiến hành chia di sản thừa kế
Về nguyên tắc, di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế. Kể cả người thừa kế đó mới thành thai lúc chia thừa kế mà sinh ra còn sống thì họ cũng được hưởng phần ngang với những người khác trong hàng thừa kế.
Trong quá trình chia, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật. Nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
03 LƯU Ý KHI PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Thứ nhất: Đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Đó là con chưa thành niên (hoặc thành niên nhưng mất khả năng lao động); cha; mẹ; vợ; chồng. Đây là những đối tượng phải đảm bảo được hưởng phần di sản từ 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trở lên nếu di sản được chia theo pháp luật.
Trường hợp này thường đặt ra khi toàn bộ hoặc một phần di sản được chia theo di chúc. Làm cho những đối tượng trên không hoặc được hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Một suất ở đây được tính trong trường hợp giả sử toàn bộ di sản được thừa theo pháp luật. Khi xảy ra, những người được hưởng di sản theo di chúc sẽ phải trích theo tỷ lệ di sản mình được nhận theo di chúc để bù vào phần còn thiếu đó.
Thứ hai: Hạn chế phân chia di sản
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Thứ ba: Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế
+ Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.