Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì có đồng thời xử lý kỷ luật chuyên môn, hành chính không?

Chủ đề   RSS   
  • #616442 17/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 583 lần


    Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì có đồng thời xử lý kỷ luật chuyên môn, hành chính không?

    Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng thì bên chuyên môn/hành chính có cần phải xử lý kỷ luật không? Nếu xử lý kỷ luật thì kỷ luật bằng hình thức gì?

    Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì có đồng thời xử lý kỷ luật chuyên môn, hành chính không?

    Theo Khoản 5, 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định:

    - Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

    - Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

    + Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. 

    + Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. 

    + Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.

    + Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). 

    + Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

    Như vậy, khi đảng viên đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng thì về mặt chuyên môn, hành chính vẫn phải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức thương xứng. Có thể kể đến một số hình thức như cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. 

    Những hành vi nào của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính?

    Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính.

    Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ, những việc không được làm, quy chế của cơ quan,... thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính.

    Mức độ của các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được xác định thế nào?

    Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

    - Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    Như vậy, các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ chia thành 4 mức độ từ vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể các xác định sẽ theo quy định trên.

     
    343 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận