Bị cáo không kháng cáo thì Tòa có áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt được không?

Chủ đề   RSS   
  • #610325 05/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 540 lần


    Bị cáo không kháng cáo thì Tòa có áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt được không?

    Mới đây, TAND cấp cao TPHCM xét xử phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã tuyên bố giảm án 3 tháng phạt tù cho bị cáo dù bị cáo không kháng cáo. Việc Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm án khi bị cáo không kháng cáo có đúng với quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự không?

    (1) Khi nào thì được mở phiên tòa phúc thẩm?

    Theo Điều 27 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo như sau:

    - Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015

    -  Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thì có hiệu lực pháp luật

    - Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    - Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

    Về tính chất của phiên xét xử phúc thẩm, khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:

    - Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

    Căn cứ vào 2 quy định trên, để mở phiên tòa phúc thẩm là phải có kháng cáo, kháng nghị từ đương sự hoặc bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu không có kháng cáo, kháng nghị với bản án quyết định sơ thẩm trong thời hạn quy định thì bản án sơ thẩm đó sẽ có hiệu lực thi hành.

    Trong vụ xét xử bà Nguyễn Phương Hằng, mặc dù bà Hằng cho rằng mức án 3 năm tù đối tội của bà là quá cao, tuy nhiên bà cũng không kháng cáo. Do bà Hằng không kháng cáo trong thời hạn quy định, bản án của tòa cấp sơ thẩm sẽ có hiệu lực, nghĩa là bà Hằng phải thi hành án phạt tù 03 năm theo như bản án quyết định sơ thẩm.

    Trong khi đó, các đồng phạm của bà trong vụ việc này đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên bản án, quyết định sơ thẩm đối với các bị cáo này là chưa có hiệu lực. Tòa án cấp cao sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm để xét xử hoặc xem xét lại quyết định, bản án cấp sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015

    Do đó, việc tổ chức phiên tòa phúc thẩm các bị cáo trong vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng là hoàn toàn đúng thủ tục tố tụng.

    (2) Bị cáo không kháng cáo có được giảm nhẹ hình phạt?

    Theo Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về việc sửa bản án sơ thẩm như sau:

    Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

    - Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

    - Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

    - Giảm hình phạt cho bị cáo;

    - Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

    - Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

    - Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

    Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

    - Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

    - Tăng mức bồi thường thiệt hại;

    - Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

    - Không cho bị cáo hưởng án treo.

    -  Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

    Theo quy định trên, HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm khi xét thấy có điểm chưa đúng trong bản án, quyết định sơ thẩm hoặc khi vụ án có thêm tình tiết mới. Trong đó, HĐXX có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo hoặc tăng nặng tùy theo các tình tiết mới mà các bên cung cấp.

    Tại khoản 3 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng có nhắc đến trường hợp bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo nhưng HĐXX có căn cứ về tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng thì có quyền sửa bản án sơ thẩm theo khoản 1 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.

    Do đó, tuy bà Hằng không làm kháng cáo và cũng không bị kháng cáo, nhưng HĐXX xét thấy bị cáo đã nộp đầy đủ án phí, khắc phục thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới.

    Có lẽ với tình tiết giảm nhẹ đó và sự thành khẩn, ăn năn của bà Hằng, HĐXX đã có đủ căn cứ để sửa lại bản án sơ thẩm của bà Nguyễn Phương Hằng theo quy định tại Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.

    (3) Sau khi được giảm án, bà Phương Hằng còn phải chấp hành phạt tù đến khi nào?

    Bà Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022. Tính từ ngày bị bắt tạm giam đến nay (5/4), bà Hằng đã chấp hành án được 2 năm 11 ngày. Như vậy, bà Hằng còn phải chấp hành bản án trên đến ngày 24/12/2024, tức còn 8 tháng 19 ngày là hết thời gian phạt tù.

     
    1334 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận