Chào bạn, Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua xe, Mẹ bạn phải làm thủ tục đăng ký xe và được cấp biển số theo quy định. Trường hợp không thể tiến hành ngay việc đăng ký xe, Mẹ bạn có thể đăng ký tạm thời khi thuộc các trường hợp được đăng ký tạm thời quy định tại Điều 16 Thông tư 15/2014/TT-BCA:
- Xe ô tô; ô tô sát xi có buồng lái; ô tô tải không thùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc; xe máy kéo nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác.
- Xe mang biển số nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn (trừ xe hoạt động ở khu vực biên giới có cửa khẩu): xe dự hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm, du lịch; xe quá cảnh; xe ô tô có tay lái bên phải (tay lái nghịch) được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
- Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng.
- Xe ô tô có phiếu sang tên, di chuyển đi địa phương khác.
- Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam.
- Xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để phục vụ hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm.
- Xe ô tô sát hạch, ô tô hoạt động trong phạm vi hạn chế (khi di chuyển ra ngoài khu vực hạn chế).
Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị trong thời hạn 15 ngày. Xe đăng ký tạm thời được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2014/TT-BCA.
Khi mua xe mới, Mẹ bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký xe theo quy định, nếu xe của bạn không thuộc các trường hợp phải đăng ký tạm thời thì trong thời gian chờ cấp giấy tờ và biển số xe; mẹ bạn sẽ không được phép điều khiển xe tham gia giao thông. Nếu mẹ bạn vẫn điều khiển xe tham gia giao thông, Sẽ có thể sẽ bị phạt với lỗi không có biển số xe, không có đăng ký xe theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định;
c) Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong Giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
..
5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều này bị tịch thu Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định;
Ngoài ra, vì mẹ bạn chưa có bằng lái xe nên mẹ bạn còn có thể bị xử phạt theo Điểm a Khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có Giấy phép lái xe theo quy định.
Đồng thời, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên (Khoản 1 Điều 78 Nghị định 46/2016).
Như vậy, việc mẹ bạn lưu thông khi xe chưa có đăng ký cũng như chưa có bằng lái thì bị giam xe là đúng rồi bạn nhé.