BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì có được thanh toán không?

Chủ đề   RSS   
  • #616705 24/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần


    BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì có được thanh toán không?

    BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì có được thanh toán không? Có thể dùng thẻ BHYT tích hợp trên VssID, VNeID khi khám, chữa bệnh không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) BHYT hết hạn trong thời gian nằm viện thì có được thanh toán không?

    Căn cứ khoản 9 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp như sau:

    Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. 

    Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho người bệnh và cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan BHXH thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ BHYT cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    Theo đó, trường hợp người bệnh có thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng trong thời gian nằm viện thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện. Tuy nhiên, không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng. 

    Bên cạnh đó, người bệnh trong trường hợp này cần phải làm thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hướng dẫn của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH nếu đang trong thời gian điều trị.

    (2) Có thể dùng thẻ BHYT tích hợp trên VssID, VNeID khi khám, chữa bệnh không?

    Cụ thể, tại Công văn 7133/BYT-BH ngày 03/11/2023, Bộ Y tế có hướng dẫn về việc sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID, VNeID khi đi khám bệnh, chữa bệnh như sau:

    Trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VNeID: Tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Nghị định 59/2022/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

    Trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID: Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 để đăng nhập thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID để khám, chữa bệnh BHYT.

    Bên cạnh đó, tại Công văn 1493/BHXH-CSYT ngày 31/5/2021 có hướng dẫn như sau:

    - Từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.

    - Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).

    - Cơ sở khám, chữa bệnh có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết.

    Theo đó, hiện nay, người dân có thể sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên VssID và VNeID khi khám bệnh, chữa bệnh.

    (3) Thẻ BHYT phản ánh được những thông tin nào? 

    Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thẻ BHYT do cơ quan BHXH phát hành, phản ánh được các thông tin như sau:

    - Thông tin cá nhân của người tham gia BHYT, bao gồm: Họ và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc.

    - Mức hưởng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

    - Thời điểm thẻ có giá trị sử dụng.

    - Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

    - Thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

    Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia BHYT.

    Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia BHYT nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

    Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian đã tham gia BHYT.

    Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong QĐND, CAND và tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

    - Ảnh của người tham gia (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) đối với trường hợp người tham gia BHYT không có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên, hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

    Theo đó, hiện nay, thẻ BHYT do cơ quan BHXH cấp sẽ thể hiện những thông tin như đã nêu trên.

     
    94 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận