Bảo vệ đánh “hội đồng” khách: Siêu thị Big C không thể “né” trách nhiệm!

Chủ đề   RSS   
  • #185077 12/05/2012

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Bảo vệ đánh “hội đồng” khách: Siêu thị Big C không thể “né” trách nhiệm!

    (Petrotimes) – Sau khi xảy ra vụ việc nhiều bảo vệ quây vào đánh khách, siêu thị Big C không những không đưa người bị thương tích đi cấp cứu mà còn giữ lại bắt viết tường trình suốt 3 giờ đồng hồ. Chưa hết, Big C còn "đá quả bóng trách nhiệm" sang công ty dịch vụ bảo vệ.

    >> Bảo vệ siêu thị Big C đánh “hội đồng” khách

    Trước đó, như Petrotimes đưa tin, khoảng 14h ngày 10/5, anh Bạch Ngọc Nam (25 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) vào siêu thị Big C mua hàng, khi ra đến nhà xe đã để xảy ra cãi vã với nhân viên trông xe của siêu thị. Ngay sau đó, vị hành khách này đã bị nhiều nhân viên của siêu thị dùng bộ đàm làm hung khí quây đánh trọng thương.

    Mặc dù có vết thương lớn trên đầu, anh Nam không được đưa đi sơ cứu mà bị yêu cầu viết tường trình.

    Sau vụ việc xảy ra, phía lãnh đạo siêu thị Big C lại khẳng định rằng: “Trách nhiệm này không thuộc về phía siêu thị”. Họ đã “sút quả bóng trách nhiệm” về phía Công ty TNHH thương mại tổng hợp Trường Giang, công ty dịch vụ bảo vệ mà phía Big C ký hợp đồng.

    Sau gần 3 giờ ngồi viết tường trình, vết thương vẫn rỉ máu.

    PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia pháp luật Lê Cao – Công ty Luật hợp danh FDVN về các vấn đề liên quan:

    PV: Thưa ông, theo quy định của pháp luật thì khi Big C ký hợp đồng dịch vụ thuê công ty khác làm bảo vệ tại khuôn viên siêu thị thì trách nhiệm chỉ đạo, điều hành việc bảo vệ siêu thị thuộc về ai?

    Chuyên gia pháp luật Lê Cao: Pháp luật trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân. Việc các nhân viên bảo vệ đánh khách hàng tại khuôn viên siêu thị (bãi giữ xe) là hành vi trái pháp luật.

    Về trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn cho khách tại siêu thị, theo Điều 8 Quyết định số1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì “Thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại phải tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi mặt hoạt động của siêu thị hoặc trung tâm thương mại; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.”

    Chuyên gia pháp luật Lê Cao.

    Như vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm về quản lý, điều hành hoạt động của siêu thị Big C Thăng Long thuộc tổ chức quản lý, điều hành siêu thị Big C thực hiện. Cho dù giữa Big C với công ty dịch vụ bảo vệ nào đó có hợp đồng thuê bảo vệ, trong các điều khoản của hợp đồng quy định những gì thì về an ninh trật tự, trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho khách hàng trước hết phải là người chủ của Big C.

    Nếu người quản lý Big C mà thờ ơ với vấn đề sức khỏe, tính mạnh của khách hàng đến đây để mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì ai còn dám đến với siêu thị nữa.

    PV: Phía siêu thị đang cho rằng trách nhiệm này thuộc về phía Công ty TNHH thương mại tổng hợp Trường Giang.

    Chuyên gia pháp luật Lê Cao: Như đã nói ở trên, về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách hàng, quy chế siêu thị, trung tâm thương mại cũng quy định rõ là siêu thị phải có cả nội quy về vấn đề này. Do đó, dù doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chịu trách nhiệm về mặt con người, về chất lượng dịch vụ bảo vệ đối với phía siêu thị thì đó là trách nhiệm của hai bên với nhau. Còn trách nhiệm trước hết cho an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân đến mua sắm, sử dụng dịch vụ vẫn phải là trách nhiệm của siêu thị.

    Trước sự việc bảo vệ của siêu thị mình đánh khách hàng mà không có trách nhiệm là không thể được. Tại khoản 4 Điều 16 Nghị định73/2010/NĐ-CP còn quy định rõ các trường hợp khác nếu như “Thuê dịch vụ bảo vệ nhưng yêu cầu nhân viên dịch vụ bảo vệ sử dụng vũ lực hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Thuê dịch vụ bảo vệ nhằm mục đích đe dọa, cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động bình thường, hợp pháp của cá nhân, tổ chức” thì bị xử phạt hành chính với mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Vụ việc bảo vệ đánh khách hàng của mình xảy ra, khách hàng có quyền yêu cầu quản lý siêu thị phải đứng ra bảo vệ sức khỏe, tính mạng của họ. Đồng thời, có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra xem là có dấu hiệu, chứng cứ cho thấy siêu thị vi phạm pháp luật trong vấn đề thuê dịch vụ bảo vệ hay không.

    PV: Khi nạn nhân bị thương, việc không đưa đi cấp cứu ngay mà an ninh siêu thị lại bắt lập biên bản để chờ công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đến làm việc, nếu có những rủi ro về thương tích xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?

    Chuyên gia pháp luật Lê Cao: Đứng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì về nguyên tắc khi có thiệt hại xảy ra thì cá nhân, tổ chức có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường. Trường hợp này liên quan đến hành vi đánh người, gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân thì trước hết cần xác định hành vi do ai thực hiện, lỗi của họ như thế nào để yêu cầu bồi thường.

    Chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu cũng bị đạp vỡ tan.

    Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu xác định cụ thể thiệt hại do hành vi của các bảo vệ gây, bộ phận an ninh siêu thị gây ra khi thực hiện nhiệm vụ do chủ sở hữu lao động giao thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu chính chủ sử dụng lao động bồi thường thiệt hại cho mình. Sau đó, chủ sử dụng lao động có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả lại theo quy định của pháp luật.

    PV: Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề sử dụng dịch vụ bảo vệ hiện nay ở nước ta?

    Chuyên gia pháp luật Lê Cao: Đó là một nhu cầu tất yếu. Khi các công sở, doanh nghiệp được mở ra ngày càng nhiều thì nhu cầu bảo vệ tài sản, an ninh, trật tự, sức khỏe, tính mạng … của người làm việc, giao dịch tại các cơ quan, đơn vị này càng lớn lên. Việc mở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ là cần thiết để chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác này.

    Thế nhưng, kinh doanh như thế nào, người sử dụng dịch vụ ra sao để tránh gây ra những sự cố đáng trách như vừa nêu là điều cần thiết. Các siêu thị, trung tâm thương mại cũng cần quan tâm hơn đến khía cạnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng, sự an toàn của khách hàng, chứ không chỉ chăm chăm bảo vệ tài sản của mình…

    PV: Xin cám ơn ông!

    Nhóm phóng viên (thực hiện)

    Theo Năng lượng mới: http://www.petrotimes.vn/phap-luat/2012/05/hanh-khach-bi-hanh-hung-tai-sieu-thi-big-c-sieu-thi-phai-co-trach-nhiem-neu-viet-phong-van-luat-su-su-viec-xay-ra-tai-bigc-ve-trach-nhiem-cua-bigc-doi-voi-viec-khach-hang-bi-danh-thi-tom-gon-phan

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    5638 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận