Bán lan đột biến hàng trăm tỷ - Đóng thuế như thế nào?
Những ngày qua, từ khóa Lan đột biến thu hút sự chú ý của rất nhiều người, trong đó có không ít đại gia sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ để giao dịch. Không bàn đến giá trị hay các quan điểm về thẩm mỹ, bài viết này sẽ chỉ ra những khoản thuế mà người bán lan phải đóng sau khi thu về số tiền khổng lồ từ cây lan!
Hiện nay, vẫn còn những tranh cãi xung quanh việc xác định loại thuế mà người bán lan phải đóng. 3 loại thuế mà người bán lan có thể phải đóng như sau:
Về thuế giá trị gia tăng:
Ở đây, có thể kể ra hai trường hợp mà người bán lan không phải nộp thuế GTGT:
1. Cây lan là sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì:
“Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.”
2. Người bán lan là cá nhân không kinh doanh theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:
…
3. Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.
Ví dụ 16: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho ông B với giá là 600 triệu đồng thì ông A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được.
Ví dụ 17: Ông E là cá nhân không kinh doanh thế chấp 01 ô tô 5 chỗ ngồi cho ngân hàng VC để vay tiền. Đến thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng, Ông E không thanh toán được cho ngân hàng VC nên tài sản là ô tô thế chấp bị bán phát mại để thu hồi nợ thì khoản tiền thu được từ bán phát mại chiếc ôtô thế chấp nêu trên không phải kê khai, tính thuế GTGT.”
Cần xác định người nộp thuế từ việc bán lan trong trường hợp này có phải cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa hay không. Thông thường, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa được xác định là việc mua bán, trao đổi thường xuyên một mặt hàng, tạo nên hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ một giao dịch riêng lẻ.
Ngoài 2 trường hợp trên, nếu cây lan được bán bởi một cá nhân kinh doanh hoặc tổ chức kinh doanh thì phải đóng thuế GTGT.
Về thuế thu nhập cá nhân:
Về cơ bản, tất cả các cá nhân mua bán phát sinh thu nhập đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên cần phải xác định trong trường hợp này tiền thu được từ mua bán lan có phải là “thu nhập từ kinh doanh” hay không?
Khoản 1 Điều 3 Luật thuế TNCN thì “thu nhập từ kinh doanh” mới là thu nhập chịu thuế, tuy nhiên Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa việc kinh doanh như sau:
“21. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.”
Như vậy, phải là một hoạt động xảy ra liên tục liên quan đến tiêu thụ sản phẩm thì mới gọi là kinh doanh, còn trong trường hơp cây lan được xác định là một tài sản như một chiếc xe, một bộ bàn ghế, một món đồ trong gia đình thì khi chuyển nhượng nó, hành vi này không được coi là kinh doanh và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân!
Về thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế này chỉ áp dụng được khi chủ thể đứng ra bán lan là Doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008:
“2. Thu nhập khác bao gồm: … thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản”
Như vậy, để xác định được trách nhiệm thuế trong trường hợp này, cần căn cứ vào chủ thể mua bán cây lan, tuy nhiên nếu chủ thể mua bán là cá nhân và việc mua bán này không được xem như hoạt động kinh doanh, rất có thể sẽ chẳng có khoản thuế nào được nhà nước thu về!
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 23/03/2021 11:47:37 SA