Bạn cần làm gì khi công an triêu tập hoặc mời đến làm việc?

Chủ đề   RSS   
  • #532142 31/10/2019

    luatsugioi-1102

    Male
    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2019
    Tổng số bài viết (8)
    Số điểm: 145
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 14 lần


    Bạn cần làm gì khi công an triêu tập hoặc mời đến làm việc?

    Khi bị cơ quan công an mời làm việc hoặc bị triệu tập, tạm giữ, người dân thường rơi vào trạng thái lo sợ, mất bình tĩnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

    Theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú… Trong trường hợp không phạm tội quả tang, trường hợp khẩn cấp hay quyết định truy nã thì phía công an cũng có thể yêu cầu người dân đến và hợp tác thông qua giấy mời và giấy triệu tập. Đây là hai loại giấy có bản chất khác nhau.
     
    KHI NÀO TRIỆU TẬP, TẠM GIỮ?
     
    Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định người dân khi nhận được giấy mời của công an là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Giấy mời không tạo ra nghĩa vụ buộc công dân phải đến (có thể đến có thể không). Tuy nhiên, trên thực tế, công an một số nơi thường sử dụng giấy mời như một mệnh lệnh thay cho giấy triệu tập.
     
    Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự.
    Theo quy định hiện hành về công tác điều tra hình sự chỉ cho phép điều tra viên “được phân công” điều tra vụ án hình sự (khi vụ án đã được khởi tố) có quyền triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án…
     
    Việc triệu tập hỏi cung, lấy lời khai phải theo kế hoạch đã được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt.
     
    Do đó, nếu không phải là “người tham gia tố tụng” trong một vụ án hình sự cụ thể, công dân không thể bị triệu tập.
    “Công dân có quyền từ chối làm việc và tố cáo hành vi trái pháp luật của người triệu tập nếu vụ án hình sự chưa được khởi tố, người triệu tập không có thẩm quyền, chưa xác định được tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập, chưa được giải thích rõ ràng về quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng...”.
     
    PHẢI LÀM SAO?
     
    Theo điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”.
     
    Ngoài ra, Hiến pháp cũng nêu rõ không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện KSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang...
     
    Do đó, một người khi được cơ quan công an triệu tập, mời lên làm việc, ngoài việc nắm rõ các quyền tối thiểu mà Hiến pháp đã quy định, cũng cần tìm hiểu hoặc nhận được sự trợ giúp về pháp lý, để biết được mình bị triệu tập, bị tạm giữ, tạm giam vì lý do gì.
     
    Họ có quyền yêu cầu nơi triệu tập, mời làm việc giải thích rõ về các quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc.
     
    Khi tiến hành bắt hoặc tạm giữ người, người ra lệnh bắt phải thông báo cho gia đình người bị bắt, chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc biết.
    Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.
     
    Từ những quy định pháp lý này, người dân có thể đối chiếu để biết rõ mình bị triệu tập hoặc bị bắt giữ có căn cứ và đúng trình tự pháp luật quy định hay không.
     
    Ngay từ khi bị bắt tạm giữ hoặc bị tạm giam, họ có quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
     
    Nếu có bất cứ hành vi nào nhằm trấn áp tinh thần, dùng vũ lực đe dọa, các hình thức ép cung, bức cung... công dân cần có thái độ phù hợp, không thái quá, đồng thời yêu cầu ngừng làm việc để có người giám hộ hoặc yêu cầu nhờ luật sư bào chữa.
     
    Kiên quyết không ký vào biên bản ghi nhận nội dung không đúng lời trình bày của mình...
     
    LUẬT SƯ CÓ MẶT TỪ ĐẦU...
     
    Theo quy định, ngành công an cấm việc sử dụng giấy triệu tập để gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án... Luật cũng nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời...
     
    Tuy nhiên trong thực tế, nhiều nơi lạm dụng giấy triệu tập vào những vụ việc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.
     
    Tới đây khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực ( dự kiến sau kỳ họp quốc hội tháng 5 năm nay), một người bị tố giác, tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố ngay từ trước khi vụ án được khởi tố, khi nhận được giấy triệu tập, mời làm việc của cơ quan công an đều có quyền có luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
     
    “Quy định này không chỉ bảo đảm quyền con người, đề cao vị trí, vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ pháp lý cho người dân, mà còn hạn chế tình trạng một số người bị áp lực, hoảng loạn dẫn đến những hành động đáng tiếc”.
     
    CHUẨN BỊ SẴN SÀNG TÂM LÝ TRẢ LỜI:
     
    Khi bị triệu tập, mời làm việc về một vấn đề liên quan thì người được triệu tập nên chuẩn bị sẵn tâm lý, bình tĩnh trả lời các câu hỏi của công an.
     
    Người bị triệu tập cần nắm rõ quy định: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điểm c, khoản 1, Điều 57); Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điểm d, khoản 1, Điều 58); Người bị tạm giữ (Điểm c, khoản 2, Điều 59); Bị can (Điểm d, khoản 2, Điều 60 )… có “quyền” trình bày lời khai chứ không phái “có nghĩa vụ” phải trình bày lời khai. Thực chất, đây chính là một phần của quyền im lặng vì đã là quyền thì “có thể trình bày” lời khai hoặc “không thực hiện” việc trình bày lời khai. Thực tế họ có thể im lặng (nếu họ muốn), cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền bắt họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp. Bên cạnh đó họ có quyền mời luật sư có mặt để chứng kiến lời khai hoặc bào chữa cho mình…thậm chí họ có thể trao đổi với cơ quan điều tra “chỉ khi” có luật sư họ mới khai báo… điều này hoàn toàn hợp pháp và đúng quy định của pháp luật.
     
    Nếu câu hỏi có dấu hiệu quy chụp trách nhiệm, quy tội thì người được triệu tập có quyền ghi vào biên bản về nội dung đó.
     
    Trường hợp người được triệu tập không phạm tội nhưng biết được người khác có liên quan đến vụ án thì nên thành khẩn khai báo để tránh bị truy tố với tội “không tố giác tội phạm”.
     
    Sau khi làm việc, người được triệu tập cần đọc kỹ biên bản làm việc và ghi rõ đồng ý hay không đồng ý với nội dung làm việc nào và yêu cầu cơ quan công an cung cấp bản sao biên bản làm việc (trừ biên bản hỏi cung bị can, bị cáo). Khi ký biên bản cần gạch những dòng còn trống, phần thừa trong biên bản để tránh bị ghi thêm nội dung vào phần này sau khi ký biên bản…
     
    Trên đây là một số vấn đề mà bạn cần lưu ý khi được mời hoặc triệu tập đến làm việc với cơ quan công an. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm các quy định khác liên quan đến vấn đề này.

    TS.LS Phan Minh Thanh - Trưởng văn phòng luật sư Ban Mai - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

     
    43407 | Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn luatsugioi-1102 vì bài viết hữu ích
    AryaStark (17/12/2020) phuduyen (18/08/2020) yuanping (01/11/2019) ThanhLongLS (01/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận