Bản án số 95/2008/KT-PT ngày 02 tháng 5 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

Chủ đề   RSS   
  • #263823 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án số 95/2008/KT-PT ngày 02 tháng 5 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

    Số hiệu

    95/2008/KT-PT

    Tiêu đề

    Bản án số95/2008/KT-PT ngày 02 tháng 5 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

    Ngày ban hành

    02/05/2008

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:95/2008/KT-PT

    Ngày 02/5/2008

    V/v: tranh chấp hợp đồng mua bán

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------L

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Thế Linh;

    Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Huy Chương;

    Ông Nguyễn Xuân Khôi.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Hoàng Thị Bích Hải, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 02 tháng 5 năm 2008, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số09/2007/TLPT-KT ngày 22 tháng 3 năm 2007 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán.

    Đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số134/2006/KDTM-ST ngày 28/12/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng cáo;

    Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 885/2008/QĐPT ngày 11/4/2008 giữa các đương sự:

    1. Nguyên đơn: Công ty điện tử công nghiệp

    Trụ sở: 444 Bạch Đằng, quận Hoàng Kiếm, Hà Nội.

    Người đại diện được ủy quyền: Ông Nguyễn Huy Bách – Giám đốc Trung tâm điện tử công nghệ cao; có mặt.

    2. Bị đơn: Trung tâm y tế huyện Thanh Trì (nay là phòng y tế huyện Thanh Trì kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng);

    Trụ sở: thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

    Người đại diện: Bà Nguyễn Thị Thường – Trưởng phòng; có mặt.

    Luật sư: Đoàn Trọng Bằng – Văn phòng Luật sư Huy Nguyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn; có mặt.

    Luật sư: Chu Mạnh Cường – Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn; có mặt.

    NHẬN THẤY

    Theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

    Sau khi trúng gói thầu cung cấp thiết bị y tế do Trung tâm y tế huyện Thanh Trì làm Chủ đầu tư, ngày 06/12/2005 Công ty điện tử Công nghiệp ký hợp đồng số 01/2005/HĐKT/ĐTCN-CNC-YTTT bán 5 (năm) loại trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế huyện Thanh Trì.

    Nội dung chính của hợp đồng: hàng hóa mua bán gồm: 12 máy siêu âm Toshiba chính hiệu Nhật Bản, 12 máy nghe tim thai và một số thiết bị y tế khác; tổng giá trị hợp đồng: 4.116.000.000 đồng (đã gồm các loại thuế và chi phí), thời gian giao hàng chậm nhất là ngày 25/12/2005; phương thức thanh toán: sau khi ký hợp đồng bên mua tạm ứng 30% giá trị hợp đồng, trong 15 ngày sau khi hai bên ký biên bản nghiệm thu bàn giao thanh toán tiếp 67%; 3% còn lại thanh toán nốt khi hết thời hạn bảo hành.

    Kèm theo hợp đồng có phụ lục số 01 quy định cụ thể mã ký hiệu, chất lượng, xuất xứ và các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại hàng phù hợp với hồ sơ thầu.

    Ngày 10/01/2006 hai bên ký biên bản bổ sung hợp đồng, sửa lại thời hạn giao hàng: chậm nhất là ngày 08/3/2006.

    Ngày 20/01/2006 bên mua tạm ứng cho bên bán 1.234.000.000 đồng (thiếu 800.000 đồng so với thỏa thuận trong hợp đồng).

    Ngày 06/3/2006, bên bán giao hàng, các loại thiết bị khác được bên mua đồng ý nhận, không có tranh chấp, riêng 12 máy siêu âm và 12 máy nghe tim thai bên mua không nhận.

    Các máy siêu âm được bên bán giao cùng các tài liệu đi kèm: giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà sản xuất Toshiba cung cấp, xác nhận của Phòng Thương mại công nghiệp Tôkyô chữ ký ở 2 giấy trên đúng là chữ ký của đại diện tập đoàn Toshiba, giấy chứng nhận xuất xứ, gia công do Phòng Thương mại công nghiệp Singapore – Trung Quốc cấp. bên mua cho rằng đây không phải là tài liệu có căn cứ pháp lý để xác định máy này có xuất xứ từ Nhật Bản cũng như xác định chất lượng máy có đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng hay không nên từ chối nhận hàng. Hai bên thỏa thuận tạm thời gửi số máy này tại kho của Trung tâm y tế huyện Thanh Trì để hoàn tất thủ tục kiểm định chất lượng và xuất xứ máy.

    Về số máy nghe tim thai: các máy được giao có cấu hình đúng như cấu hình nêu trong catalog do nhà sản xuất cung cấp, đúng theo hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên bên mua trình bày: sau khi đã phát hành hồ sơ mời thầu thì theo yêu cầu của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm y tế huyện Thanh Trì đã có văn bản bổ sung vào ngày 01/11/2005, yêu cầu máy nghe tim thai phải có thêm đầu dò tần số 2,5MHz. Việc bổ sung này đã được các nhà thầu, trong đó có Công ty điện tử công nghiệp chấp nhận. Tuy đã có ý kiến giải thích bằng văn bản của Sở Y tế thành phố Hà Nội rằng “đầu dò” chính là “bộ biến năng” trong cấu hình tiêu chuẩn nhưng bên mua vẫn cho rằng đây là hai chi tiết khác nhau và không đồng ý nhận hàng vì thiếu chi tiết đầu dò.

    Ngày 01/9/2006, Công ty điện tử công nghiệp đã khởi kiện Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, cho rằng Công ty đã thực hiện đúng hợp đồng, đề nghị buộc bị đơn phải nhận hàng để thanh quyết toán hợp đồng, phải chịu lãi với số tiền chậm trả và chịu bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho nguyên đơn.

    Bị đơn cũng có yêu cầu phản tố: đề nghị buộc nguyên đơn phải chịu phạt vi phạm nghĩa vụ giao hàng và phải thanh toán cho bị đơn chi phí thuê bảo vệ trông kho chứa 12 máy siêu âm.

    Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số124/2006/KDTM-ST ngày 28/12/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 29, ĐIều 33, Điều 35, Điều 131, Điều 159, Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 01/2005 ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 301; Điều 303 Luật Thương mại.

    Căn cứ Thông tư liên tịch số01/TTLT-TATC-VKSTC-BTP-BTC ngày 17/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành án về tài sản.

    Căn cứ Nghị định 70/CP về án phí, lệ phí Tòa án,

    Xử:

    I. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty điện tử công nghiệp:

    1. Trung tâm y tế huyện Thanh Trì phải tiến hành nhận 12 máy siêu âm đa năng đen trắng xách tay Toshiba hiệu Famio5-SSA-510A và 12 máy nghe tim thai Doppler FD390 với số serial đã được chỉ dẫn trong các giấy chứng nhận xuất xứ và chứng nhận chất lượng kèm theo.

    2. Trung tâm y tế huyện Thanh Trì tiếp tục thanh toán 67% trị giá hợp đồng là 2.757.720.000 đồng cho Công ty điện tử công nghiệp theo quy định tại hợp đồng.

    II. Việc lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bảo hành, các bên tiếp tục thực hiện như hợp đồng 01/2005/HĐKT/ĐTCN/CNC/YTTT.

    Đối với các điều chính khác của hợp đồng số 01/2005/HĐKT/ĐTCN/CNC/YTTT, các bên tiếp tục thực hiện như đã thỏa thuận. Nếu có tranh chấp và có yêu cầu khởi kiện, các bên sẽ giải quyết ở vụ kiện khác.

    III. Chấp nhận yêu cầu đòi tiền phạt của Công ty điện tử công nghiệp với Trung tâm y tế huyện Thanh Trì. Trung tâm y tế huyện Thanh Trì phải chịu phạt 220.624.000 đồng (hai trăm hai mươi triệu, sáu trăm hai mươi bốn ngàn đồng).

    Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật mà Công ty điện tử công nghiệp có yêu cầu thi hành án nhưng Trung tâm y tế huyện Thanh Trì chưa trả được khoản tiền trên thì hàng tháng Trung tâm phải chịu lãi theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định cho số tiền chưa trả, cho đến khi trả hết tiền.

    IV. Bác yêu cầu phản tố của Trung tâm y tế huyện Thanh Trì.

    Bác yêu cầu đòi tiền lãi của Công ty điện tử công nghiệp.

    Bác các yêu cầu khác của các bên.

    V. Án phí:

    - Công ty điện tử công nghiệp chịu 7.300.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Xác nhận Công ty đã nộp 15.200.000 đồng dự phí tại biên lai số 7580 ngày 27/9/2006 của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Nay Công ty được hoàn lại 7.900.000 đồng.

    - Trung tâm y tế huyện Thanh Trì phải chịu 18.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Xác nhận Trung tân đã nộp 5.776.000 đồng dự phí tại biên lai số 7535 ngày 24/11/2006 của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Trung tâm y tế huyện Thanh Trì phải nộp tiếp 12.224.000 đồng.

    Các bên có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày từ ngày tuyên án.

    Ngày 29/12/2006, Trung tâm y tế huyện Thanh Trì kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.

    Ngày 09/11/2007, Công ty điện tử công nghiệp có đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm xác định Trung tâm y tế huyện Thanh Trì đã thanh toán 1.234.800.000 đồng là chưa chính xác (chính xác là 1.234.000.000 đồng), tiền bảo hành tính trên toàn bộ giá trị hợp đồng cũng không hợp lý. Đề nghị xác định lại các số liệu trên để tính số tiền bị đơn phải thanh toán, phải chịu phạt và án phí của nguyên đơn cho chính xác.

    Căn cứ các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, qua việc hỏi công khai, nghe các luật sư và các đương sự trình bày và kết quả tranh luận tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án.

    XÉT THẤY

    Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/7/2007 và 02/8/2007, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định về xuất xứ hàng hóa máy siêu âm đen trắng đa năng Famio5 –SSA-510A theo đề nghị trưng cầu giám định của Công ty điện tử công nghiệp. Tòa án cấp phúc thẩm đã có nhiều văn bản gửi tới Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đẻ làm rõ các tờ vận đơn, tờ khai hải quan theo yêu cầu của Phòng y tế huyện Thanh Trì. Đồng thời có văn bản gửi Bộ Y tế, làm việc với Viện trang bị kỹ thuật và công trình y tế để trưng cầu giám định nhưng không thực hiện được với lý do Viện không có chức năng giám định xuất xứ hàng hóa.

    Xét hồ sơ vụ án thấy cần thiết phải giải quyết vụ án trong điều kiện đã có tài liệu tham khảo của Vinacontrol Hà Nội.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn và bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đồng thời trình bày cụ thể về từng nội dung kháng cáo.

    Xét kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy như sau:

    Đối với kháng cáo của nguyên đơn:

    * Về khoản buộc Trung tâm y tế huyện Thanh Trì phải tiếp tục thanh toán 67% giá trị hợp đồng số 01/2005/HĐKT/ĐTCN-CNC-YTTT ký ngày 06/12/2005 với Công ty.

    Theo hồ sơ vụ án và theo xác nhận của nguyên đơn và bị đơn thì sau khi ký hợp đồng nêu trên, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 1.234.000.000 đồng. Theo Điều 1 của hợp đồng thì 30% của tổng giá trị hợp đồng là 1.234.800.000 đồng. Như vậy so với thỏa thuận thì bị đơn tạm ứng còn thiếu 800.000 đồng. Cũng theo Điều 1 của hợp đồng nêu trên thì 67% của tổng giá trị hợp đồng là 2.757.720 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm khi buộc bị đơn phải tiếp tục thanh toán 67% là chưa tính việc bị đơn còn thanh toán thiếu 800.000 đồng của phần tạm ứng 30%. Do đó, cần buộc bị đơn phải thanh toán đủ 67% trên tổng giá trị của hợp đồng, theo đó số tiền còn thiếu 800.000 đồng được tính cho cho khoản 67% và bằng 2.758.520 đồng. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này được chấp nhận.

    * Về nội dung cho rằng phần II quyết định của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm là không cần thiết.

    Xét thấy theo các điều khoản của hợp đồng số 01 và biên bản bổ sung hợp đồng ngày 10/01/2006, cả hai bên không thỏa thuận về việc hủy hợp đồng mà chỉ xác định nếu vi phạm về thời hạn giao hàng, về việc tiếp nhận hàng hay vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì các bên liên quan đến phần nghĩa vụ của mình sẽ chịu phạt và bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có 3/5 loại thiết bị được hai bên giao nhận và không có tranh chấp, đó là bộ dụng cụ xét nghiệm thực phẩm là 12 bộ, máy xét nghiệm nước tiểu Combilyzer Plus là 12 cái và 12 kính hiển vi 2 mắt EZ-232. Mặt khác, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét nội dung tranh chấp về hai loại máy: Máy siêu âm chuẩn đoán đa năng đen trắng xách tay Famio5-SSA-510A và máy nghe tim thai Doppler FD-390. Vì các lý do trên và theo nguyên tắc hai bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng nên việc quyết định như trên của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp và cần thiết. Vì vậy, không chấp nhận nội dung kháng cáo này của nguyên đơn.

    * Về khoản tiền phạt do bị đơn vi phạm hợp đồng:

    Tại đơn kháng cáo và lời trình bày tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng số tiền phạt vi phạm hợp đồng phải là 228.918.400 đồng. Xét theo thỏa thuận tại Điều 2.4 biên bản bổ sung hợp đồng kinh tế và Điều 301 Luật Thương mại 2005 thì mức phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm mà Tòa án cấp sơ thẩm xác định là đúng. Tuy nhiên, từ kết quả thực hiện hợp đồng và biên bản bổ sung ngày 10/01/2006 giữa hai bên thì thấy: theo Điều 1 của hợp đồng, giá trị của 3/5 loại thiết bị đã thực hiện, không có tranh chấp là 684.000.000 đồng, từ đó phát sinh 3% tiền bảo hành thiết bị và bằng 20.520.000 đồng, phù hợp với thời hạn bảo hành là 12 tháng kể từ khi bàn giao thiết bị theo Điều 1 của hợp đồng số 01. Tòa án cấp sơ thẩm trừ đi 3% tiền bảo hành theo tổng giá trị của hợp đồng số 01 và bằng 123.480.000 đồng là không đúng vì kể từ thời điểm xét xử phúc thẩm (ngày 02/5/2008) bị đơn mới có nghĩa vụ nghiệm thu, tiếp nhận 12 máy siêu âm chuẩn đoán đa năng đen trắng xách tay Famio5-SSA-510A và 12 máy nghe tim thai Doppler FD-390, và như vậy thì thời hạn bảo hành tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu, giao nhận máy. Do đó, số tiền bảo hành mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 20.520.000 đồng và khoản tiền phạt bị đơn phải chịu được tính trên 2.861.480.000 đồng (được tính từ: 4.116.000.000 đồng – 1.234.000.000 đồng – 20.520.000 đồng) với mức phạt 8% và bằng 228.918.400 đồng. Kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này được chấp nhận.

    * Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

    Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chịu khoản tiền phạt là 274.560.000 đồng và lãi chậm thanh toán là 105.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bị đơn phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 220.624.000 đồng, và như trên đã phân tích, khoản tiền phạt này là 228.918.400 đồng. Vì vậy án phí kinh doanh sơ thẩm được xác định như sau:

    - Yêu cầu của nguyên đơn: 379.560.000 đồng.

    - Yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận: 228.918.400 đồng.

    - Yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận: 150.640.600 đồng.

    Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nguyên đơn phải chịu là: 7.532.080 đồng.

    Đối với kháng cáo của bị đơn:

    Tại đơn kháng cáo, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Xét nội dung quyết định của bản án sơ thẩm, nhận thấy:

    * Về việc không đồng ý tiếp tục nhận 12 máy siêu âm chuẩn đoán đa năng đen trắng xách tay Famio 5SSA-510A do nhà sản xuất Toshiba Nhật Bản sản xuát. Tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm này, đại diện của bị đơn vẫn cho rằng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba phát hành, có xác nhận chữ ký của Phòng Thương mại và công nghiệp Tokyo – Nhật Bản ngày 16/02/2006, số A 031026 và Giấy chứng nhận xuất xứ/ gia công ngày 03/4/2006, số 11996 do Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore-Trung Quốc cấp là chưa có căn cứ pháp lý để xác định 12 máy này được sản xuất và lắp ráp tại Nhật Bản. Bị đơn cho rằng Giấy chứng nhận của Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore-Trung Quốc không có dấu “cấp sau” (cấp C/o).

    Xét thấy tại Điều 1 của hợp đồng số 01 và phụ lục số 01 kèm theo, hai bên đã thỏa thuận máy trên theo cấu hình tiêu chuẩn với đặc điểm cơ bản của máy là: ký mã hiệu Famio 5SSA-510A do nhà sản xuất, nước sản xuất là Toshiba Nhật Bản. Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn thừa nhận ngày 08/3/2006 nguyên đơn đã giao 12 máy có đặc điểm trên, đã nhập kho nhưng do chưa thừa nhận các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa này nên không nghiệm thu và nhận máy.

    Tại Điều 1 hợp đồng số 01 và tại điểm A.II.3 trong phần IC hồ sơ mời thầu, chính bị đơn đưa ra yêu cầu “các thiết bị dự thầu phải được sản xuất tại chính quốc, do các hãng uy tín trên thế giới sản xuất, có chứng chỉ xuất xứ của chính hãng”. Như vậy, ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu cho đến khi ký kết hợp đồng số 01, bị đơn chỉ có yêu cầu được cung cấp chứng chỉ xuất xứ và chứng chỉ chất lượng của chính hãng sản xuất chứ không yêu cầu cơ quan, tổ chức của nước xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (cấp C/o). Vì thế, yêu cầu của bị đơn về việc phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản để từ đó mới nghiệm thu, nhận máy là không thỏa đáng. Mặt khác, đối chiếu giữa đối tượng hợp đồng với quy định tại Điểm 2 mục III Thông tư liên tịch số09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thì đây là trường hợp không phải nộp C/o. Hơn nữa tại điểm 4.C mục III của Thông tư nêu trên thì “trong trường hợp C/o do nhà sản xuất cấp thì phải có xác nhận của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước cấp có liên quan”. Theo yêu cầu của bị đơn trong hợp đồng số 01 và trong hồ sơ thầu được duyệt thì việc Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba cấp Giấy chứng nhận xuất xứ số A.031026 và Giấy chứng nhận số lượng chất lượng số A.031027 là phù hợp. Việc Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyo Nhật Bản có xác nhận chữ ký của những người đại diện cho tập đoàn (đã được đăng ký tại Nhật Bản) là một đảm bảo nhằm khẳng định máy siêu âm trên được sản xuất và lắp ráp tại Nhật Bản. Do có khiếu nại, thắc mắc của bị đơn về việc chưa làm rõ xuất xứ của nước sản xuất thì Tập đoàn trên cũng như Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyo Nhật Bản đã có nhiều Giấy chứng nhận liên quan đến xuất xứ sản xuất máy siêu âm, kèm theo là chứng nhận của công chứng viên và hợp pháp hóa lãnh sự. Tại phiên tòa này, bị đơn cho rằng việc xác nhận chữ ký của Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyo Nhật Bản là chưa đủ căn cứ pháp lý. Xét nội dung này thấy theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 19/2006/N Đ-CP ngyaf 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa và điểm 4.C mục III Thông tư liên tịch số 09 nêu trên thì thấy cơ quan cấp C/o thường là Phòng Thương mại và công nghiệp nước sở tại. Theo Văn bản số2524/PTM-PC ngày 30/8//2006 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (thuộc Hiệp hội các Phòng Thương mại và công nghiệp) đã trả lời đề nghị của nguyên đơn, bị đơn với nội dung: “Việc nhà sản xuất Toshiba…xác nhận hệ thống chuẩn đoán máy siêu âm Toshiba có xuất xứ tại Nhật Bản và được Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyo xác nhận chữ ký là có căn cứ để xác định Toshiba sản xuất và lắp ráp sản phẩm này”. Cũng theo văn bản trên thì theo pháp luật của Nhật Bản, việc cấp C/o do các Phòng Thương mại và công nghiệp địa phương thực hiện. Phòng Thương mại và công nghiệp địa phương ở Nhật Bản ngoài chức năng trên còn có thẩm quyền xác nhận các chứng từ thương mại khác và giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng số lượng do Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba cấp chính là loại chứng từ thương mại. Từ những phân tích trên, có đầy đủ cơ sở để xác định máy siêu âm chuẩn đoán đa năng đen trắng Famio 5SSA-510A là do nhà sản xuất Toshiba sản xuất và lắp ráp tại Nhật Bản (tại chính quốc).

    Về giấy chứng nhận xuất xứ số 11996 ngày 03/4/2006 do Phòng Thương mai và công nghiệp Singapore – Trung Quốc cấp đã thể hiện đúng ký mã hiệu 12 máy siêu âm đã được nêu tại Giấy chứng nhận số A.031026 và số A.031027 của Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba, đồng thời xác nhận tại mục 7 rằng nước sản xuất là Nhật Bản. Bị đơn cho rằng giấy này không có giấu “cấp sau” và được cấp quá chậm trong khi ngày 22/02/2006 hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận chuyển. Xét nội dung này thấy nếu theo đúng hợp đồng số 01 và hồ sơ thầu thì chỉ cần có giấy chứng nhận của hãng sản xuất là đủ. Việc xác nhận của Phòng Thương mại và công nghiệp Singpore-Trung Quốc là phù hợp với trả lời của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Mặt khác sở dĩ Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore-Trung Quóc cấp giấy trên là do chính yêu cầu của bị đơn. Ngay sau khi hàng nhập kho của bị đơn, nguyên đơn đã có văn bản gửi Văn phòng đại diện Công ty GoLo tại Hà Nội với nội dung phản ánh trung thực ý kiến thắc mắc của bị đơn. Để ra được giấy này, Phòng Thương mại và công nghiệp đã phải điều tra, xác minh hồ sơ tạm nhập, tái xuất, vì vậy ngày 13/4/2006 mới cấp. Cũng theo Văn bản số 2524 nêu trên, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã khẳng định Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore – Trung Quốc cũng có thẩm quyền cấp C/o và theo pháp luật của Singapore thì C/o được cấp sau là 3 tuần. Việc Phòng Thương mại và công nghiệp trên cấp C/o vẫn nằm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày hàng lên tàu. Với lập luận trên, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của bị đơn.

    Về chất lượng của máy, bị đơn có nghi ngờ đối với Giấy chứng nhận số A.031027.

    Xét yêu cầu này của bị đơn, thấy tại Điều 1 của hợp đồng số 01 và hồ sơ thầu (tiểu mục AII 3 phần I.c) xác định nguyên đơn phải giao “chứng chỉ xuất xứ của hãng” và “thiết bị phải đảm bảo mới 100%. Tại Điều 3.b.3 của hồ sơ thầu ghi: “…cung cấp chứng chỉ chất lượng hàng hóa cho bên A”. Đối chiếu nội dung Giấy chứng nhận số A.031027 của Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba cấp, có xác nhận của Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyô Nhật Bản, có đủ căn cứ xác định giấy này thỏa mãn những điều kiện đã dẫn ở trên của hồ sơ thầu.

    Tại phiên tòa, bị đơn cho rằng kết quả giám định của Vinacontrol Hà Nội ngày 14/4/2006 là không khách quan. Xét yêu cầu này thấy tại biên bản làm việc giữa hai bên vào ngày 08/3/2006, chính bị đơn xác nhận sẽ đứng ra trưng cầu giám định chất lượng máy và cam kết chịu chi phí giám định. Tuy nhiên do bị đơn đã không thực hiện được nội dung như đã thỏa thuận nên nguyên đơn đã mời cơ quan giám định trên giám định có anh Lê Anh Tuấn cán bộ của bị đơn chứng kiến. Theo Giấy chứng nhận giám định số 0288/V.GĐ1/2006 A ngày 14/4/2006 của Vinacontrol Hà Nội thì tình trạng của máy là mới 100%, có tình trạng bình thường, xuất xứ được sản xuất ở Nhật Bản. Theo quá trình giám định và kết quả giám định, không có căn cứ để cho rằng cơ quan giám định trên đã không vô tư, khách quan. Song Hội đồng xét xử thấy tài liệu này dùng để tham khảo.

    * Về việc không đồng ý nhận 12 máy nghe tim thai Doppler FD-390 của nhà sản xuất TOITU-Nhật Bản với lý do cho rằng khi giao nhận đã thiếu 01 đầu dò, không phù hợp với hợp đồng đã ký và hồ sơ thầu được duyệt.

    Căn cứ vào hồ sơ vụ án, trước tiên cần khẳng định khi mua máy, hai bên đã thỏa thuận là cấu hình tiêu chuẩn. Trong hợp đồng, phụ lục không thể hiện thỏa thuận về cấu hình quy định.

    Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, bị đơn đã có catalog gốc của nhà sản xuất TOITU Nhật Bản. Nếu theo catalog này thì không có đầu dò tần số 2,5MHz. Để ký hợp đồng và tổ chức mời thầu, chính bị đơn đã tham khảo ý kiến của Cơ quan chủ quản là Sở Y tế Hà Nội. Theo trả lời hướng dẫn của Sở, bị đơn đã bổ sung thêm 1 đầu dò tần số 2,5MHz, và sau khi trúng thầu với nội dung bổ sung trên, nguyên đơn đã ký hợp đồng số 01 với bị đơn vào ngày 06/12/2005. Với tư cách là bên nhập khẩu, nguyên đơn đã ký đơn vị hợp đồng mua bán ngoại thương với hãng NIPON, nhà phân phối độc quyền của Tập đoàn thiết bị y tế Toshiba. Ngày 16/2/2006, hãng NIPON xác nhận máy chính kèm theo 1 đầu dò tần số 2,5MHZ nhưng khi nguyên đơn nhập hàng, chuẩn bị giao hàng cho bị đơn thì ngày 06/3/2006, hãng trên đính chính do lỗi đánh máy nên không có bộ biến năng mà đó chính là đầu dò tần số 2,5MHz, theo đó nguyên đơn có văn bản đính chính về nội dung này đối với bị đơn. Với những diễn biến như trên không có cơ sở để khẳng định nguyên đơn đã có hành vi lừa dối để được trúng thầu. Việc bị đơn cho rằng đầu dò và bộ biến năng là 2 chi tiết khác nhau là trái với chỉ dẫn đã ghi trong catalog gốc của hãng TOITU Nhật Bản bởi như trên đã nêu bị đơn đã biết catalog gốc chỉ có như vậy. Ngoài ra, để giải quyết những thắc mắc này của bị đơn, Sở Y tế thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên ngành cấp trên của bị đơn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng như Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã có trả lời, theo đó khẳng định máy nghe tim thai hiệu như trên không có bộ biến năng, đầu dò chính là bộ biến năng, kèm theo giá đỡ đầu dò. Với phân tích trên, có đủ căn cứ để khẳng định nguyên đơn đã giao đúng loại hàng hóa, phù hợp với catalog gốc của nhà sản xuất TOITU Nhật Bản.

    Tổng hợp lại, cần buộc bị đơn phải tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận hai loại máy nêu trên, theo đó bị đơn phải tiếp tục thanh toán 67% trên tổng giá trị hợp đồng như thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời được giữ lại số tiền bảo hành 3% trên giá trị của hai máy, hết thời hạn bảo hành 12 tháng kể từ ngày giao nhận số tiền này sẽ được giải quyết theo nội dung của hợp đồng số 01.

    * Về việc đề nghị hủy kết quả đấu thầu và tuyên bố hợp đồng số 01 bị vô hiệu toàn bộ, thì thấy như trên đã phân tích, nguyên đơn tham gia dự thầu và trúng thầu theo phê duyệt của Chủ quản đầu tư là Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì. Do vậy không có căn cứ để hủy kết quả đấu thầu. Mặt khác, hợp đồng số 01 được ký bởi đại diện có thẩm quyền của hai pháp nhân, mang mục đích kinh doanh, đối tượng của hợp đồng không thuộc hàng hóa cấm mua bán lưu thông. Bởi vậy không có căn cứ để xác định hợp đồng số 01 bị vô hiệu.

    Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 02/5/2008, bị đơn bổ sung 3 khoản bồi thường về thuê Công ty tư vấn 4.116.000 đồng; tiền thuê bảo vệ kho 21.755.000 đồng; thuê văn phòng và trả thù lao cho luật sư 38.500.000 đồng. Xét nội dung bổ sung trên là không có căn cứ vì bị đơn có yêu cầu phản tố nên phí thuê tư vấn và luật sư bị đơn phải tự chịu. Về tiền thuê kho, nguyên đơn trước đó có yêu cầu được nhận lại, giao lại máy khác nhưng bị đơn không chấp nhận nên bị đơn phải tự chịu phí bảo vệ thuê kho này.

    * Về yêu cầu buộc nguyên đơn phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, thấy rằng chính bị đơn là bên vi phạm hợp đồng về nghiệm thu nhận máy, theo đó vi phạm nghĩa vụ thanh toán 67% trên tổng giá trị hợp đồng và 3% tiền bảo hành đối với 3 thiết bị đã nhận, còn nguyên đơn không vi phạm về thời gian giao hàng, ngược lại khi bị đơn không nhận hàng thì nguyên đơn đã có nhiều văn bản gửi cơ quan, tổ chức liên quan nhằm xác định và giải quyết thắc mắc của bị đơn. Nguyên đơn còn chủ động đề nghị nhận lại máy và chấp nhận giao máy khác cùng chủng loại nhưng không được bị đơn đồng ý. Vì thế, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của bị đơn.

    * Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

    Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn có yêu cầu phản tố với các nội dung là:

    - Khoản tiền phạt vi phạm nghĩa vụ giao hàng là 274.560.000 đồng;

    - Tiền thuê bảo vệ kho: 6.350.000 đồng.

    - Tiền thuê tư vấn: 4.116.000 đồng.

    Các yêu cầu phản tố trên không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận. Ngoài ra còn buộc bị đơn phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 220.624.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn bổ sung nội dung phản tố, theo đó số tiền thuê bảo vệ kho tăng lên theo thời gian. Xét thấy yêu cầu kháng cáo và yêu cầu phản tố của bị đơn tại cấp sơ thẩm là phù hợp với nhau nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm của số tiền là 505.650.000 đồng. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ thì bị đơn phải chịu mức án phí trên là 18.130.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải chịu 18.000.000 đồng là không chính xác.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 228.908.400 đồng, do đó cần sửa lại án phí kinh doanh sơ thẩm phải chịu là 18.278.880 đồng.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Chu Mạnh Cường bảo vệ quyền lợi cho Phòng y tế huyện Thanh Trì đã trình bày như sau:

    * Về máy nghe tim thai: sau khi dẫn hồ sơ mời dự thầu, thì cho rằng không có căn cứ để buộc Phòng y tế huyện Thanh Trì phải nhận hàng. Không chấp nhận việc đính chính của nguyên đơn, của hãng NIPON về việc đầu dò và bộ biến năng là một. Catalog gốc không phải là căn cứ pháp lý vì đây là đấu thầu trong nước. Lỗi là do nguyên đơn. Máy FD-390 không đáp ứng yêu cầu nên không thể nhận hàng.

    * Về máy siêu âm xách tay đen trắng: Sau khi dẫn quy định trong hồ sơ mời thầu và khẳng định Toshiba là hãng có uy tín, tuy nhiên xuất xứ hàng hóa của lô hàng này của hãng do Phòng Thương mại và công nghiệp Tôkyo Nhật Bản và Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore-Trung Quốc xác nhận là chưa rõ ràng và không có giá trị pháp lý. Luật sư cho rằng theo 3 tiêu chí được quy định trong Thông tư số 112 của Bộ Tài chính, Công văn của Tổng cục Hải quan là không đảm bảo. Điều 4 Thông tư 09 ngày 17/4/2001 của Tổng cục Hải quan – Bộ Thương mại thì xuất xứ hàng hóa trên là không đảm bảo. Luật sư cũng dẫn các quy định về nhãn mác hàng hóa để từ đó cho rằng có căn cứ để Phòng y tế huyện Thanh Trì không nhận 12 máy siêu âm đen trắng đã ký theo Hợp đồng số 01 ngày 06/12/2005 với Công ty điện tử công nghiệp.

    Từ những phân tích trên, luật sư đề nghị: Không đủ cơ sở buộc Phòng y tế huyện Thanh Trì phải nhận 12 máy siêu âm đen trắng, 12 máy nghe tim thai.

    Tại phần tranh luận lại, luật sư giữ nguyên quan điểm của mình.

    Luật sư Đoàn Trọng Bằng trình bày bài bảo vệ cho Công ty điện tử công nghiệp, theo đó cho rằng chứng nhận xuất xứ do hãng Toshiba cung cấp là phù hợp với hợp đồng 01 và hồ sơ mời dự thầu đối với 12 máy siêu âm đen trắng. Sau khi có tranh chấp thì hãng Toshiba, Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã có văn bản xác nhận xuất xứ hàng hóa là từ Nhật Bản. Tại Biên bản ngày 15/8/2006, đa số đại biểu các cơ quan tham gia bàn biện pháp giải quyết vướng mắc giữa Trung tâm y tế huyện Thanh Trì với Công ty điện tử công nghiệp đều cho rằng có đủ cơ sở để Trung tâm y tế huyện Thanh Trì nhận hàng. Các vận đơn thể hiện xuất xứ, hành trình máy đều từ Nhật Bản – Singapore - Việt Nam, số sêri máy đều phù hợp. Từ đó khẳng định có đủ cơ sở buộc Phòng y tế huyện Thanh Trì nhận hàng.

    Về 12 máy nghe tim thai, do có nhầm lẫn trong khâu dịch thuật, catalog thể hiện rõ cấu hình tiêu chuẩn không thể có bộ biến năng để thay thế hỏng hóc vì trong hợp đồng đã thể hiện 3% bảo hành. Sau khi dẫn các tài liệu của Sở Y tế Hà Nội, Vụ trang thiết bị (Bộ Y tế), luật sư đề nghị buộc Phòng y tế huyện Thanh Trì nhận đúng hàng theo cấu hình tiêu chuẩn và thanh toán tiền hàng.

    Tại phần tranh luận lại, luật sư vẫn giữ quan điểm của mình, sau khi đã phân tích những ý kiến của luật sư và bị đơn.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH

    Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của Phòng y tế huyện Thanh Trì. Chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của Công ty điện tử công nghiệp. Sửa một phần quyết định của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm như sau:

    Áp dụng các Điều 33, 301, 303 Luật Thương mại; Nghị định số 19 ngày 20/02/2006 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 09 ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan. Thông tư liên tịch số 01 ngày 17/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ, buộc:;

    1. Phòng y tế huyện Thanh Trì phải tiến hành nhận 12 máy siêu âm đa năng đen trắng xách tay Toshiba hiệu Famio 5-SSA-510 A và 12 máy nghe tim thai Doppler FD-390 với số serial đã được chỉ dẫn trong các giấy chứng nhận xuất xứ và chứng nhận chất lượng kèm theo.

    Phòng y tế huyện Thanh Trì tiếp tục thanh toán 67% giá trị hợp đồng là: 2.758.520.000 đồng cho Công ty điện tử công nghiệp theo quy định tại hợp đồng.

    2. Việc lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bảo hành, các bên tiếp tục thực hiện như hợp đồng số 01 ngày 06/12/2005. Đối với các điều khoản khác của hợp đồng số 01/2005/H ĐKT/ĐTCN-CNC-YTTT, các bên tiếp tục thực hiện như đã thỏa thuận. Nếu có tranh chấp và có yêu cầu khởi kiện, các bên sẽ giải quyết ở vụ kiện khác.

    3. Chấp nhận yêu cầu đòi tiền phạt của Công ty điện tử công nghiệp đối với Phòng y tế huyện Thanh Trì. Phòng y tế huyện Thanh Trì phải chịu phạt: 228.918.400 đồng.

    Kể từ khi bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với khoản tiền còn phải thi hành án tương ứng với từng thời kỳ chưa thi hành án.

    4. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

    - Công ty điện tử công nghiệp phải chịu 7.523.080 đồng, Công ty đã nộp tạm ứng án phí là 15.200.000 đồng theo biên lai số 007581 ngày 27/9/2006 tại Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Trả lại cho Công ty điện tử công nghiệp 7.667.920 đồng.

    - Phòng y tế huyện Thanh Trì phải chịu 18.278.880 đồng, Phòng y tế huyện Thanh Trì đã nộp tạm ứng án phí lá 5.776.000 đồng tại biên lai số 007535 ngày 24/11/2006 của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Phòng y tế huyện Thanh Trì còn phải nộp 12.502.880 đồng.

    - Công ty điện tử công nghiệp và Phòng y tế huyện Thanh Trì không phải nộp án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

    - Công ty điện tử công nghiệp đã nộp 200.000 đồng tiền án phí kháng cáo tại biên lai số 007267 ngày 10/01/2007 tại Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, nay được hoàn trả lại.

    - Phòng y tế huyện Thanh Trì đã nộp 200.000 đồng tiền án phí kháng cáo tại biên lai số 007264 ngày 09/01/2007 tại Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, được trả lại, nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    CÁC THẨM PHÁN

    Nguyễn Xuân Khôi Nguyễn Huy Chương

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Bùi Thế Linh

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 09:10:49 SA
     
    31009 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận