Bà đứng tên trên sổ đỏ mất không để lại di chúc xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #618066 08/12/2024

    giangkent

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/12/2024
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 1 lần


    Bà đứng tên trên sổ đỏ mất không để lại di chúc xử lý như thế nào?

    Thưa luật sư, em xin trình bày như sau:

    Hai ông bà tôi có kế thừa từ gia đình 1 bất động sản gồm nhà với đất. Bà tôi là người đứng tên sổ đỏ, đã mất năm 2013 và không để lại di chúc, ông tôi cũng mất năm 2024. Hai ông bà có 2 người con nuôi là mẹ tôi và người nam tên L, cũng chính là 2 người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông tôi. Sau đám tang của ông tôi, L có đưa ra bản di chúc của ông tôi nói là ông tôi đã viết di chúc trao toàn bộ tài sản kế thừa của ông tôi vs 1/2 tài sản của bà tôi để lại (tổng là 3/4 bất động sản), nói là tài sản chung của 2 ông bà, nên khi bà tôi mất, tài sản sẽ chia 1/2 cho cả hai ông bà, khi bà tôi mất 1/2 của bà sẽ chia đôi là 1/4 cho 2 người con, L sẽ hưởng 1/2 của ông và 1/4 của ông được thừa kế từ bà tôi. Xin hỏi luật sư, L làm vậy có đúng quy định pháp luật về thừa kế không, trong khi đó hương hỏa của gia đình do 1 tay mẹ tôi lo, từ lúc ông tôi tới tuổi nghỉ hưu đến lúc già yếu ốm đau rồi mất cũng không 1 lần lui tới thăm hỏi. Xin cảm ơn luật sư.

    Chính tả
     
    200 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn giangkent vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (14/12/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #618102   14/12/2024

    ngochasblaw
    ngochasblaw

    Luật sư địa phương

    Vietnam --> Hà Nội
    Tham gia:30/10/2024
    Tổng số bài viết (14)
    Số điểm: 70
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 12 lần


    Bà đứng tên trên sổ đỏ mất không để lại di chúc xử lý như thế nào?

    Chào bạn, 

    Về vấn đề của bạn, việc bà đứng tên riêng một mình trên Giấy chứng nhận không phải là căn cứ, cơ sở để xác định đó là tài sản riêng của bà. Nếu là bà được thừa kế riêng, không có thỏa thuận nhập vào tài sản chung của 2 vợ chồng thì bà lúc đó mới là người duy nhất có quyền với tài sản thừa kế đó. Vì vậy, để chính xác thì gia đình có thể liên hệ cơ quan quản lý đất đai nhằm kiểm tra dữ liệu, thông tin người sử dụng đất.

    (1) Giả sử đó là tài sản chung của hai ông bà:

    Thời điểm bà mất năm 2013, không để lại di chúc thì chia di sản thừa kế theo Bộ Luật dân sự 2005:

    "Điều 634. Di sản

    Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

    Điều 635. Người thừa kế

    Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    ...

    Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

    1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

    a) Không có di chúc;

    ...

    Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau."

    Theo đó, khi không có di chúc thì di sản được chia theo pháp luật, trường hợp của bạn sẽ là chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm ông và 2 người con là mẹ của bạn và ông L nếu có căn cứ xác định 2 người này là con nuôi tại thời điểm bà mất.

    Lúc này, người ông sẽ có 1/2 tài sản ban đầu trong khối tài sản chung và 1/3 của 1/2 (tức bằng 1/6) giá trị nhà đất do nhận từ di sản thừa kế của bà. Tức phần thừa kế của ông, mẹ bạn và ông L từ di sản của bà trong trường hợp thông thường mỗi người sẽ là 1/6 giá trị nhà đất.

    Thời điểm ông mất là 2024 thì sẽ áp dụng theo Bộ Luật dân sự 2015. Trước tiên cần xác định di chúc của ông có hợp pháp hay không theo Điều 630:

    "Điều 630. Di chúc hợp pháp

    1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

    b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

    2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

    3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

    4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

    5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."

    Trường hợp di chúc hợp pháp thì được chia di sản của ông theo di chúc. Lúc này, với khối nhà đất đất ở trên thì ông chỉ có quyền định đoạt 1/2 giá trị ban đầu của mình và 1/6 giá trị nhận thừa kế của bà mà thôi chứ không phải có quyền để thừa kế 3/4 giá trị.

    Nhưng bạn lưu ý trường hợp này thì ông L cũng đang có 1/6 giá trị căn nhà do thuộc diện nhận thừa kế từ bà trước đó rồi. Mẹ bạn chỉ có quyền định đoạt với 1/6 giá trị còn lại mà thôi.

    Còn nếu di chúc không hợp pháp thì tiến hành chia theo pháp luật, tức phần di sản của ông trên (1/2 giá trị ban đầu của mình và 1/6 giá trị nhận thừa kế) sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông gồm mẹ bạn và ông L.

    (2) Giả sử đó là tài sản riêng của bà do nhận thừa kế riêng từ gia đình:

    Lúc này, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản chứ không phải chia 1/2 cho ông. Việc chia thừa kế vẫn căn cứ theo các quy định đã gửi ở phần trước. Khi chia thừa kế theo pháp luật, dựa theo Điều 676 Bộ Luật dân sự 2005 thì ông, mẹ anh/chị và ông L mỗi người sẽ hưởng 1/3 di sản.

    Thời điểm ông mất năm 2024, trường hợp di chúc hợp pháp thì ông L chỉ được hưởng thêm 1/3 giá trị tài sản nhà đất là phần di sản của ông bạn, kèm theo 1/3 giá trị tài sản ông L nhận thừa kế từ bà.

    Còn nếu di chúc không hợp pháp thì 1/3 giá trị tài sản nhà đất là di sản của ông bạn sẽ được chia theo pháp luật tức chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông gồm mẹ bạn và ông L.

    * Nội dung trên là 2 trường hợp có thể phát sinh. Bạn lưu ý thêm trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015:

    "Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

    1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

    a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

    b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

    2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này."

    Theo đó, nếu mẹ bạn thuộc trường hợp tại điểm b Khoản 1 nêu trên thì có thể hưởng di sản thừa kế bằng "hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật" dù ông không để di sản lại cho mẹ.

    Thông tin trao đổi cùng bạn!  

    chính tả
     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn ngochasblaw vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (14/12/2024)

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau: