Trong lĩnh vực doanh nghiệp, cùng với những quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp mà doanh nghiệp luôn phải chấp hành thì “điều lệ công ty” là một trong những văn bản quan trọng nhất trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp. Về cơ bản, điều lệ công ty được xem là bản thỏa thuận giữa các thành viên/chủ sở hữu công ty với nhau để ghi nhận những nguyên tắc về cách thức hoạt động, quản lý hay giải thể doanh. Điều lệ công ty là một tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp, được lưu trong hồ sơ công ty và lưu tại phòng đăng kí kinh doanh. Như vậy, giá trị của điều lệ có thể được xem như là “luật” riêng của từng doanh nghiệp.
Trước đây, theo khoản 16 Điều 22 luật cũ (Luật doanh nghiệp 2005) có quy định nội dung điều lệ công ty có thể bao gồm: “Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2005 đã hết hiệu lực và đến Luật doanh nghiệp 2014 hiện nay không còn đề cập đến nội dung quy định này. Thay vào đó, tại khoản 1 Điều 25 Luật doanh nghiệp 2014 chỉ quy định về các nội dung chủ yếu trong điều lệ công ty.
Tính tự quyết của doanh nghiệp nghiệp thông qua điều lệ được thể hiện rất rõ trong nhiều điều khoản mở của Luật Doanh nghiệp năm 2014 với các nội dung như: “theo quy định của Điều lệ công ty”, trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác”;…
Điều 50. Quyền của thành viên (Công ty TNHH hai thành viên trở lên)
…
6. Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
8. Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định còn có thêm các quyền sau đây:
…
Điều 56. Hội đồng thành viên (Công ty TNHH hai thành viên trở lên)
2. Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
…
Điều 112. Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp (Công ty cổ phần)
2. Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
…
Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận (Công ty cổ phần)
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
…
Điều 176. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh (Công ty hợp danh)
1. Thành viên hợp danh có các quyền sau đây:
a) Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;
…
|
Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp điều lệ công ty quy định khác với quy định của Luật doanh nghiệp thì sao? Lấy ví dụ: với quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014, pháp luật cho phép Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Hiểu theo nội dung câu chữ luật định thì điều lệ công ty được quy định về một tỷ lệ tài sản nhỏ hơn và đảm bảo trong phạm vi không quá 35%. Như vậy, nếu trường hợp điều lệ lại quy định tỷ lệ lớn hơn 35% thì sao? Lúc này, doanh nghiệp phải áp dụng văn bản nào mới đúng.
Luật doanh nghiệp là một bộ phận của văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để xác định xem nên áp dụng Luật doanh nghiệp hay điều lệ công ty, chúng ta cần phân tích khoản 1 Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về hiệu lực về không gian:
Điều 155. Hiệu lực về không gian
1. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
|
Theo đó, Luật doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng trong phạm vi cả nước và đương nhiên Luật có giá trị pháp lý cao hơn điều lệ công ty và sẽ áp dụng theo Luật doanh nghiệp nếu trong trường hợp Luật và điều lệ công ty có quy định khác nhau.
Kết luận: Trong trường hợp pháp luật có cho phép doanh nghiệp được quyền tự quyết đối với một số vấn đề nhất định. Xong, quyền tự quyết của doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tuân thủ trong phạm vi giới hạn của luật.