Căn cứ khoản 1 Điều 6 Điều Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung bởi điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính về thuế sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
“Điều 8. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế
…
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế
a) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ các trường hợp sau đây:
Đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 10; khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều 11; khoản 1, 2, 3 và điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế hoặc thông báo với cơ quan thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế.
Đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.”
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thủ tục thuế sẽ là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Căn cứ điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:
“Điều 65. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
…
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
…
2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.”.”
Theo đó, đối với những hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế đã hết thời hiệu xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn phải ra quyết định tịch áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Đồng thời, việc áp dụng này phải được lập thành văn bản ghi rõ hình thức biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng và lí do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.