Một bác sĩ, người được xã hội tin tưởng, lại trở thành nghi phạm trong một vụ án mạng bí ẩn. Chiếc kim tiêm, vốn là công cụ cứu người, nay lại trở thành hung khí gây chết người.
(1) Bí ẩn đằng sau chiếc kim tiêm tử thần của bác sĩ
Tòa án Newcastle (Anh) đang tiến hành phiên xét xử bác sĩ T.K, người bị cáo buộc âm mưu sát hại ông P.O, 72 tuổi. Tại tòa, bác sĩ K đã thừa nhận hành vi của mình.
Bà J (mẹ của bác sĩ K) đã quyết định để lại ngôi nhà của mình cho ông O, người tình 20 năm qua của bà. Khi biết tin này, K đã rất tức giận.
Vào tháng 11/2022, bác sĩ này đã gây ra một cuộc tranh cãi với mẹ về di chúc và bị cảnh sát can thiệp. Ông ta thậm chí còn cài đặt phần mềm theo dõi trên laptop của mẹ mình.
Theo cáo trạng, K đã mạo danh Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) để gửi thư thông báo rằng sẽ có y tá đến tiêm vắc xin Covid-19 cho ông O vào ngày 22/1.
Thực tế, K đã cải trang bằng tóc giả, râu giả, và đeo khẩu trang để tự mình tiêm chất độc vào nạn nhân. Ông ta còn làm giả thẻ căn cước, biển số xe và bịa đặt thông tin để đặt phòng tại địa phương.
Sau khi được tiêm, ông O đã bị sưng viêm, da đổi màu và đau đớn tại vị trí tiêm, tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Khi nhập viện, ông được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử, một loại nhiễm trùng sâu dưới da rất nguy hiểm, và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cắt bỏ một phần thịt ở bắp tay. Hiện tại, ông vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Ông O bắt đầu nghi ngờ về một số tình tiết trước đó. Bạn gái của ông, bà J, đã nhận xét rằng nam y tá "cao gần bằng" con trai của K.
Ban đầu, bác sĩ K đã phủ nhận mọi cáo buộc. Tuy nhiên, cảnh sát đã thu thập đủ bằng chứng chứng minh tội ác của ông.
Bồi thẩm đoàn đã xem video từ camera an ninh ghi lại cảnh K đến Premier Inn, gần nhà mẹ mình ở Newcastle. Sau đó, ông ta đã đeo khẩu trang phẫu thuật, găng tay, mũ và kính râm khi đến nhà để tiêm cho ông O.
Các chuyên gia cho rằng K đã sử dụng iodomethane, một loại thuốc trừ sâu. Đại diện Bộ Quốc phòng Anh cho biết chưa từng có trường hợp nào liên quan đến việc tiêm loại hóa chất này.
Công tố viên Peter Makepeace KC nhận định: "Bị cáo T.K là một bác sĩ có uy tín và nhiều kinh nghiệm tại một phòng khám ở Sunderland. Trước tháng 11/2023, ông ta đã lập kế hoạch phức tạp để giết bạn đời của mẹ mình, lợi dụng kiến thức của mình về chất độc để thực hiện âm mưu này ngay trước mặt nạn nhân."
Hiện tại, bác sĩ K đang sống cùng vợ và con trai nhỏ trong một ngôi nhà trị giá gần 400.000 USD. Tại đây, cảnh sát đã tịch thu được nhiều loại thuốc độc và hướng dẫn sử dụng, bao gồm thông tin chi tiết về liều lượng cần thiết để giết người.
(2) Án Tây - Luật ta
Ở nước ta, tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015.
Tại điểm k khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rằng tình tiết tăng nặng đối với tội phạm này là việc giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp.
Ví dụ, bác sĩ có thể giết bệnh nhân nhưng lại lập hồ sơ bệnh án cho rằng nạn nhân đã qua đời do bệnh hiểm nghèo, hay bảo vệ bắn chết người rồi vu oan cho họ là kẻ cướp. Việc lợi dụng nghề nghiệp để sát hại người khác được đánh giá là một thủ đoạn rất tinh vi.
Đơn cử như trường hợp trên, bác sĩ K đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để thực hiện hành vi giết người một cách dễ dàng và kín đáo.
Tuy nhiên, cảnh sát cần xác định và chứng minh rằng K đã lợi dụng công việc của mình để thực hiện tội ác thì mới có thể xem xét trường hợp phạm tội này có tình tiết tăng nặng.
Theo đó, mức xử phạt đối với tội phạm giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Giết 02 người trở lên;
- Giết người dưới 16 tuổi;
- Giết phụ nữ mà biết là có thai;
- Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
- Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
- Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
- Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
- Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
- Thuê giết người hoặc giết người thuê;
- Có tính chất côn đồ;
- Có tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Vì động cơ đê hèn.
Đối với việc phạm tội nhưng không thuộc các trường hợp nêu trên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra. người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.