Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? Nhận hối lộ bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610890 24/04/2024

    leehuy97
    Top 500
    Chồi

    Vietnam
    Tham gia:29/06/2022
    Tổng số bài viết (214)
    Số điểm: 1398
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 13 lần


    Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? Nhận hối lộ bị xử lý thế nào?

    “Ăn một miếng, tiếng để đời" là một câu tục ngữ Việt Nam tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống. Câu tục ngữ này cảnh báo về hậu quả lâu dài của những hành vi nhỏ nhặt nhưng sai trái, thiếu suy nghĩ. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa và hàm ý của câu tục ngữ trên chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

    1. Ăn một miếng, tiếng để đời là gì?

    "Ăn một miếng" là một động tác vô cùng đơn giản, thường nhật. Tuy nhiên, từ "miếng" ở đây mang tính ẩn dụ, ám chỉ bất cứ hành động nhỏ nhoi nào vi phạm đạo đức, lẽ phải. Dù chỉ là "một miếng" nhỏ, nhưng nếu đó là hành động sai trái thì "tiếng để đời" - hậu quả lâu dài về mặt danh dự, uy tín vẫn xảy ra.

    Câu tục ngữ “ Ăn một miếng, tiếng để đời” muốn nói dù là những việc làm nhỏ bé nhưng không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn có thể để lại dấu ấn xấu, khó xóa trong lòng người khác. Nó khuyên chúng ta cần cẩn trọng, thận trọng ngay cả trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Một khi đã mắc phải sai lầm, dù nhỏ, danh dự sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và khó lòng phục hồi.

    Câu tục ngữ cũng đề cao đạo đức, kỷ luật bản thân. Nó nhấn mạnh rằng con người luôn phải giữ gìn phẩm hạnh, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức ngay cả trong những việc nhỏ nhất, tránh sai phạm để không đánh mất danh dự, uy tín của mình.

    "Ăn một miếng, tiếng để đời" còn mang ý nghĩa ẩn dụ nói đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức trong xã hội hiện nay. Dù chỉ là khoản hối lộ "ăn một miếng" nhỏ nhặt, nhưng hậu quả để lại cho danh dự, uy tín của những người này lại vô cùng nghiêm trọng và lâu dài.

    Hành vi tham nhũng, nhận hối lộ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức cơ bản của một xã hội lành mạnh. Khi bị phát hiện, bên cạnh hình phạt từ luật pháp, những cá nhân liên quan còn phải đối mặt với "tiếng để đời" - sự lên án gay gắt của dư luận, xã hội. Điều này khiến họ mất đi uy tín, danh dự và khó có thể phục hồi sự nghiệp, vị thế trong cộng đồng.

    Những trường hợp tham nhũng lớn càng gây ra tổn hại nghiêm trọng hơn cho xã hội, không chỉ làm thất thoát nguồn lực quốc gia mà còn phá hoại niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, không chỉ trừng phạt mà còn giáo dục, phòng ngừa tham nhũng từ gốc rễ. Xã hội cần thúc đẩy tinh thần minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực để răn đe, ngăn chặn tệ nạn này.

    Như vậy, câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" là câu tục ngữ sâu sắc, đề cao đạo đức, nhắc nhở con người hãy cẩn trọng trong mọi việc làm, dù lớn hay nhỏ, để giữ gìn danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình. Là lời cảnh tỉnh thiết thực về hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng nói chung và nhận hối lộ nói riêng.

    2. Nhận hối lộ bị xử lý thế nào?

    Người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Cụ thể:

    Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhận hối lộ

    Thực tế cho thấy, có người đưa hối lộ nên mới có người nhận hối lộ hoặc ngược lại. Vì vậy, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9 và điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:

    - Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

    - Phạt tiền từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ

    Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 thì hình phạt đối với người nhận hối lộ, người phạm tội nhận hối lộ sẽ bị xử lý như sau:

    Khung 1:

    Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi sau:

    - Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Lợi ích phi vật chất.

    Khung 2:

    Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Có tổ chức;

    - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

    - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

    - Gây thiệt hại về tài sản từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

    - Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

    Khung 3:

    Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên;

    - Gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên.

    Hình phạt bổ sung:

    - Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

    - Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 16, khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi đưa, nhận hối lộ bị xử lý như sau:

    - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

    - Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.

    - Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

    Như vậy, hàm ý của câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" giúp chúng ta có thể rút ra bài học về hành vi nhận hối lộ dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng lại gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Theo đó, người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng, bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ với mức án thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là tử hình. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hành vi trên.

     
    531 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận