Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Do mang tính trực tiếp nêu trên, hoạt động sáng tạo ra tác phẩm chỉ có cá nhân mới làm được, không thể là một tổ chức.
Đặc biệt, Luật Sở hữu trí tuệ cũng nếu rõ tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả. Việc có tham gia trực tiếp vào tác phẩm phát sinh từ tác phẩm ban đầu không có nghĩa là có tham gia trực tiếp vào việc sáng tạo tác phẩm phát sinh từ tác phẩm ban đầu đó.
Đối với một số loại tác phẩm tập thể như tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu và thậm chí chương trình máy tính, khi mà công sức đóng góp sáng tạo của từng cá nhân tham gia trực tiếp thuộc nhiều loại công việc khác nhau, kết quả của những công việc đó được tổng hòa vào một tác phẩm chung duy nhất, thì người ta không gọi nhũng cá nhân đó là tác giả mặc dù họ cũng được hưởng quyền nhân thân của tác giả như quyền được đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm với tư cách là người biểu diễn,...
Việc là tác giả của tác phẩm có giá trị pháp lý rất lớn. Thứ nhất, chắc chắn tư cách đó sẽ mang lại cho tác giả các quyền nhân thân không thể chuyển giao, không thể từ bỏ, không có thời hiệu đối với tác phẩm. Thứ hai, tư cách này là cơ sở để người đó được xem là chủ sở hữu các quyền tài sản đối với tác phẩm. Điều này được khẳng định cụ thể ngay tại Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ sở hữu của tác phẩm là tác giả hay người trực tiếp tham gia vào việc sáng tạo nên tác phẩm. Như vậy có thể loại bỏ một số người khỏi tư cách là chủ sở hữu tác phẩm trong những tình huống tranh cãi như những người có đóng góp nhưng không phải là đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện tác phẩm.