Khi giải quyết án ly hôn mà một bên đương sự là người bị bệnh tâm thần, nhiều tòa gặp lúng túng trong việc xác định người giám hộ cho người bệnh. Có chuyện này bởi luật pháp chưa có quy định điều chỉnh…
Gần đây, chị NTV đã nộp đơn ra TAND TP.HCM xin ly hôn với người chồng đang mắc bệnh tâm thần. Trong đơn, chị V. trình bày rằng vợ chồng chị kết hôn từ năm 2005. Ba năm sau, trong một vụ tai nạn giao thông, chồng chị bị thương nặng ở đầu, từ đó mất ý thức, phải nhập viện điều trị tâm thần dài hạn. Hiện nay đời sống hôn nhân của chị là không thể duy trì nên chị muốn được ly hôn để ổn định lại cuộc sống sau này...
Tự quyết định mọi thứ, có công bằng?
Thụ lý, TAND TP đang băn khoăn về hướng giải quyết. Có ý kiến nói tòa nên yêu cầu chị V. tiến hành làm thủ tục tuyên bố chồng chị mất năng lực hành vi dân sự vì bị bệnh tâm thần. Khi yêu cầu này được tòa án có thẩm quyền chấp nhận, TAND TP sẽ tiến hành giải quyết vụ ly hôn của chị. Lúc này, chị V. vừa là nguyên đơn, đồng thời cũng vừa là người đại diện theo pháp luật cho bị đơn - chồng chị.
Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối bởi lẽ nếu làm như vậy, chị V. sẽ được tự ý quyết định tất tần tật mọi thứ, kể cả tài sản và con chung. Điều này không đảm bảo công bằng, có khả năng gây thiệt thòi cho người chồng đang bị tâm thần, vốn có quyền lợi đối lập với chị trong vụ ly hôn. Giả sử nếu mai này người chồng khỏi bệnh thì sao?
Cần hướng dẫn hợp lý
Theo luật, người mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình được xem là người mất năng lực hành vi dân sự (trên cơ sở phán quyết của tòa theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan). Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự do người giám hộ xác lập, thực hiện. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tại tòa án cũng do người giám hộ thực hiện.
Luật cũng quy định trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ và ngược lại. Như vậy, dựa vào các quy định này, chị V. sẽ làm thủ tục yêu cầu tòa tuyên bố chồng chị mất năng lực hành vi dân sự. Sau đó, chị sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của chồng và sẽ tham gia vụ ly hôn với cả hai tư cách nguyên đơn và đại diện bị đơn.
Tuy nhiên, ngoài việc không đảm bảo công bằng như đã nói, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) còn phân tích một điểm chưa ổn khác. Theo ông, ly hôn là một trong các quyền nhân thân. Với quyền nhân thân, đương sự phải tự mình thực hiện, không ai có thể thay thế. Tức không thể để vợ chồng làm người giám hộ cho nhau trong vụ ly hôn của chính họ.
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cũng nhìn nhận thực tế đang vướng mắc ở chỗ luật bắt buộc phải có người giám hộ cho người tâm thần khi tham gia vụ án ly hôn nhưng nếu để vợ chồng làm người giám hộ cho nhau thì không ổn. Mặt khác, tòa cũng không thể cử người khác làm người giám hộ bởi luật đã quy định rõ là tòa chỉ được làm việc này khi người bệnh chưa có người giám hộ đương nhiên.
Đây là một chuyện khá nhức đầu với các tòa. Nếu linh động để vợ hay chồng làm người giám hộ cho nhau và tiến hành giải quyết ly hôn thì không chặt chẽ về mặt pháp luật. Nhưng nếu cứ “ngâm án” mãi cũng không được vì một người xin ly hôn với người bạn đời bị bệnh tâm thần để lo cho tương lai, xét cho cùng là chính đáng và yêu cầu này không hề bị pháp luật cấm đoán.
Vì vậy, nhiều thẩm phán đã đề nghị TAND Tối cao có hướng dẫn chính thức là gặp trường hợp này thì xác định người giám hộ như thế nào để các tòa áp dụng thống nhất.
#e6e6fa;margin:5px;width:400px;border-collapse:collapse;"> Cha mẹ xin ly hôn thay con cũng không được Một vụ ly hôn khác cũng rắc rối không kém khi một bên đương sự là người bị tâm thần. Theo hồ sơ, vợ chồng chị G. lấy nhau được hơn 10 năm, có hai con chung. Trước thì người chồng hoàn toàn bình thường nhưng sau mấy năm đi làm xa về, chị thấy anh có dấu hiệu thần kinh không ổn định. Rồi chồng chị đổ bệnh, suốt ngày tưng tưng, nói năng lảm nhảm. Các bác sĩ kết luận chồng chị bị tâm thần nặng. Gia đình đưa anh đi chữa mãi nhưng bệnh không những không hết mà còn có phần nặng thêm. Thương chị G. còn trẻ, gia đình chồng đã vận động chị ly hôn để tìm hạnh phúc mới. Chị G. không chịu. Thấy con dâu khổ, không đành lòng, cha mẹ chồng chị đã làm đơn xin ly hôn giùm cho con trai. Đơn này sau đó đã bị tòa trả lại với lý do phải đích thân chồng hay vợ đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng chứ không thể nhờ ai thay mặt mình được. Cho cha mẹ làm người giám hộ Pháp luật dân sự cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng quy định về người giám hộ trong các vụ án ly hôn mà chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự. Theo tôi, trong những trường hợp này nên quy định người giám hộ cho bên mất năng lực hành vi dân sự có thể là cha hoặc mẹ của họ. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM Chú trọng đến tài sản chung Người bị bệnh tâm thần sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau khi ly hôn. Vì vậy, cần có một số quy định áp dụng riêng cho việc phân chia tài sản chung sau ly hôn của họ. Mặt khác, trách nhiệm của người giám hộ trong việc phân chia tài sản chung của người bệnh cũng cần được bổ sung vào luật. Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Thiếu quy định riêng Trong luật pháp một số nước như Mỹ, Anh, Singapore…, thẩm phán có thể bác đơn xin ly hôn người bị bệnh tâm thần nếu có đủ bằng chứng cho thấy khả năng nhận thức của người bệnh có thể được cải thiện trong một khoảng thời gian chấp nhận được. Chẳng hạn có xác nhận của bệnh viện là việc điều trị đang diễn tiến tốt đẹp… Còn ở ta, các quy định riêng về vấn đề này chưa có, kể cả trong luật lẫn các văn bản dưới luật. Một thẩm phán TAND TP.HCM |
HOÀNG YẾN
nguồn:phapluattp.vn