SPT bỏ rơi người lao động
Hơn 200 nhân viên đã nghỉ việc hơn một năm nhưng không được doanh nghiệp trả sổ BHXH, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác. (xem tiếp)
“Tôi xin nghỉ việc đã hơn một năm nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán tiền trợ cấp thôi việc, trả sổ BHXH, thanh toán tiền thai sản”. Đây là phản ánh của chị Võ Thị Tú Anh, nguyên là nhân viên Trung tâm Điện thoại di động CDMA (S-Telecom), số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1-TPHCM, trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng TP mới đây. Hiện S-Telecom nợ BHXH hơn 10 tỉ đồng.
Mỏi mòn chờ nhận chế độ
Tháng 4-2011, chị Tú Anh xin nghỉ việc và bàn giao công việc đúng quy định, sau đó S-Telecom đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chị Tú Anh. Sau khi chấm dứt HĐLĐ, chị Tú Anh đã nhiều lần liên hệ với S-Telecom nhưng không được đơn vị này giải quyết các chế độ theo quy định.
“Trong quá trình làm việc, tháng nào tôi cũng bị S-Telecom trừ tiền BHXH nhưng khi tôi nghỉ việc không được đơn vị trả sổ BHXH để hoàn tất hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, S-Telecom không trả trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian tôi làm việc trước năm 2008 và tiền thai sản”- chị Tú Anh nói.
Không riêng chị Tú Anh, hơn 200 lao động đã làm việc và nghỉ việc ở S-Telecom cũng không được nhận tiền trợ cấp thôi việc, sổ BHXH và các chế độ khác theo quy định khi nghỉ việc. Có trường hợp sau khi nghỉ việc được S-Telecom hứa sẽ thanh toán đầy đủ các chế độ nhưng sau đó cũng rơi vào im lặng. Anh Lê Khắc Hiệp, khi nghỉ việc không được S-Telecom giải quyết các chế độ nên khiếu nại đến cơ quan chức năng, sau đó S-Telecom đã ký biên bản thanh lý HĐLĐ với cam kết: Các khoản chế độ chính sách, khám chữa bệnh, ốm đau, thai sản được thanh toán trước ngày 15-1, tiền trợ cấp mất việc thanh toán trước ngày 28-2, hoàn trả sổ BHXH tối đa không quá ngày 30-4. Được ký cam kết này nên anh Hiệp rất yên tâm. Thế nhưng, đúng hẹn, anh đến nhận chế độ thì được bảo chờ, sau đó cũng không thấy động tĩnh gì.
Cam kết nhưng không thực hiện
Ngày 23-5, chúng tôi liên hệ với S-Telecom để tìm hiểu sự việc thì được một nhân viên tên Huỳnh Thị Ngọc Quý cho biết phải đến đầu tháng 6-2012, lãnh đạo đơn vị mới có thể xếp lịch để giải quyết. Cũng trong ngày 23-5, chúng tôi liên hệ với Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), được bà Lê Thị Thúy Diễm, đại diện công ty, cho biết S-Telecom là đơn vị liên doanh nên SPT không có thẩm quyền trong vụ việc này.
Nội dung trả lời của bà Diễm trái ngược với các tài liệu mà chúng tôi có được. Tại thông báo số 32 ngày 16-3 của SPT về việc xác nhận thanh toán chế độ cho cán bộ nhân viên (CBNV) S-Telecom có nội dung: “Để CBNV an tâm và hợp tác với trung tâm trong việc thanh lý HĐLĐ, ban lãnh đạo SPT thông tin đến toàn thể CBCNV S-Telecom các cam kết về thanh toán công nợ như sau: Thủ tục, thời hạn và chế độ thanh lý HĐLĐ, công nợ với CBNV theo thông báo, xác nhận của Trung tâm S-Telecom và bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật lao động. Trung tâm bảo đảm việc chốt sổ BHXH cho CBNV, nếu chậm làm thủ tục dẫn đến CBNV không được nhận trợ cấp thất nghiệp thì SPT cam kết trả thay chế độ trợ cấp thất nghiệp cho CBNV theo trình tự thủ tục và thanh toán như cơ quan BHXH. Nếu Trung tâm S-Telecom không thể hoàn tất các khoản chế độ, công nợ của người lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày thanh lý HĐLĐ thì SPT sẽ là đơn vị tiếp nhận và tiếp tục thực hiện việc thanh toán đó cho người lao động...”.
Rõ ràng với việc không thực hiện những cam kết của mình trước đó, SPT đã đẩy người lao động làm việc tại S-Telecom vào hoàn cảnh khó khăn.
ÔNG NGUYỄN TRỌNG NAM, TRƯỞNG PHÒNG KIỂM TRA BHXH TPHCM:
S-Telecom nợ BHXH hơn 10 tỉ đồng
Vào tháng 10-2010, phát hiện S-Telecom nợ BHXH, chúng tôi đã mời đến làm việc. Đến tháng 3-2011, BHXH TP đã tiến hành khởi kiện S-Telecom ra tòa với số nợ tính đến hết tháng 2-2011 là hơn 3,7 tỉ đồng.
Ngày 6-4-2011, tòa án trả lại đơn khởi kiện do S-Telecom không được ủy quyền trong lĩnh vực tố tụng theo văn bản ủy quyền của SPT. Ngày 24-10-2011, BHXH TP nộp đơn khởi liện SPT với số nợ tính đến hết tháng 9-2011 là hơn 6,6 tỉ đồng. Tháng 5-2012, tại buổi hòa giải lần 2, SPT chấp nhận thanh toán nợ BHXH hơn 10 tỉ đồng nhưng sau đó SPT lại đổi ý nên tòa sẽ mở phiên xét xử trong thời gian tới.
Chúng tôi kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng để thu về cho quỹ BHXH và bảo vệ quyền lợi người lao động.
|
Theo Báo NLĐ ngày 07/6/2012
SPT, Bỏ rơi người lao động