7 lưu ý khi xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp phiếu Lý lịch tư pháp

Chủ đề   RSS   
  • #572097 07/06/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (248)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    7 lưu ý khi xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp phiếu Lý lịch tư pháp

    Xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích

    Xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích  - Minh họa

    Nghiệp vụ lý lịch tư pháp là một nhánh quan trọng của pháp luật Hình sự. Để bảo đảm thực hiện những quy định có liên quan đến công tác lý lịch tư pháp (LLTP) tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xin gửi đến bạn đọc một số thông tin hữu ích trong nghiệp vụ xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

    1. Về thời điểm tính thời hạn xóa án tích

    Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, thời điểm để tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là thời điểm người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.

    Trường hợp sau thời hạn đương nhiên được xóa án tích, người bị kết án mới thi hành xong quyết định khác của bản án như: nộp án phí, bồi thường thiệt hại...thì thời điểm đương nhiên được xóa án tích sẽ tính vào thời điểm người đó chấp hành xong các quyết định khác nêu trên của bản án.

    2. Về xác minh hành vi phạm tội mới

    Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không có hành vi phạm tội mới theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

    Để xác định một người có hành vi phạm tội mới, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Sở Tư pháp căn cứ vào quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát theo quy định. Ngoài ra, để xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không còn phải căn cứ vào một số quyết định khác của cơ quan tiến hành tố tụng, như: Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; quyết định phục hồi điều tra, phục hồi vụ án... Như vậy, trường hợp người từng bị kết án có hành vi phạm tội mới thì Sở Tư pháp cũng phải xem xét về tiến trình tố tụng của người đó để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp được chính xác, đầy đủ.

    Trong khi đó, theo Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, có 3 hệ thống cơ quan điều tra, bao gồm: (1) Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; (2) Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân; (3) Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, tại Điều 9 Luật này còn có 07 nhóm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra, như: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Cảnh sát biển; một số cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.

    Do đó, nếu thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Điều 25 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh thông tin đương sự có bị khởi tố hay không tại UBND cấp xã/Công an cấp xã là chưa đủ thông tin vì hầu như cơ quan điều tra không gửi quyết định khởi tố bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn về nơi cư trú của bị can.

    Để khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên và hỗ trợ Sở Tư pháp trong việc tra cứu, xác minh hành vi phạm tội mới, tại Quy chế phối hợp 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 giữa Trung tâm LLTP quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ và Công an tỉnh thực hiện tra cứu, xác minh và trả kết quả cho Sở Tư pháp khi có yêu cầu, trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới (nếu đương sự có hành vi này)

    Theo đó, để bảo đảm sự chính xác, khách quan, toàn diện trong cấp Phiếu: LLTP, đề nghị Sở Tư pháp thực hiện việc chuyển các Hồ sơ yêu cầu cấp cấp Phiếu LLTP qua Phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Phần mềm “Kiềng ba chân”) để Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Cục V06, Bộ Công an và Công an tỉnh tra cứu, xác minh và trả kết quả trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới.

    3. Việc xem xét hành vi phạm tội mới trong việc xác định điều kiện đương nhiên được xóa án tích

    - Trường hợp người bị kết án sẽ được đương nhiên xóa án tích2 nếu:

    + Không có hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích.

    + Trường hợp có hành vi phạm tội khác xảy ra trước hoặc sau thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.

    - Trường hợp người đang có án tích về một tội mà có hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 thì chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp với tình trạng án tích là “Có án tích” đối với tội đó theo quy định.

    4. Về xác minh việc chấp hành xong thời gian thử thách án treo và án phạt cải tạo không giam giữ

    - Trường hợp cá nhân đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ nhưng không có giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ:

    Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2010 (nay là Luật thi hành án hình sự 2019) và Hướng dẫn 05/HD-C81-C83 ngày 20/8/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người hết thời hạn chấp hành án tại xã, phường, thị trấn trước ngày 1/7/2011, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ.

    Vì vậy, đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp và đề nghị Công an cấp tỉnh chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kịp thời cung cấp các thông tin này cho Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP tại địa phương theo quy định.

    Ngoài ra, trường hợp sau khi xác minh tại cơ quan có liên quan như UBND cấp xã, cơ quan Thi hành án công an cấp huyện... nhưng các cơ quan này có văn bản trả lời không có thông tin, không còn lưu trữ hồ sơ. Để bảo đảm lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp này, Sở Tư pháp vẫn tiếp tục xác minh các điều kiện đương nhiên được xóa án tích khác (nộp án phí, bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung khác...). Trường hợp các điều kiện này bảo đảm theo quy định của pháp luật thì xác định người bị kết án đã đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

    - Trường hợp không được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ:

    Theo quy định tại khi hết thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ nhưng người bị kết án không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ vì không tuân thủ những điều kiện trong thời gian thi hành thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (VD: Người bị kết án đi khỏi nơi cư trú không báo cáo UBND cấp xã nơi cư trú; không thực hiện đúng những nội dung theo quy định của luật thi hành án trong thời gian chấp hành án ...). Những trường hợp này được xem là chưa chấp hành xong hình phạt án treo, án phạt cải tạo không giam giữ và không đủ điều kiện đương nhiên được xóa tích.

    5. Về xác minh việc thi hành nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại

    - Trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:

    Theo Khoản 1, Điều 30, Điểm c Khoản 5, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2014, Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Hết thời hiệu này, cơ quan thi hành án dân sự sẽ từ chối yêu cầu thi hành án.

    Đối với trường hợp này, để tạo điều kiện cho người bị kết án có yêu cầu cấp Phiếu LLTP đương nhiên được xóa án tích, Sở Tư pháp có thể hướng dẫn đương sự chủ động gặp người được thi hành án để thỏa thuận về việc thi hành án, đồng thời, có sự xác nhận của UBND cấp xã. Văn bản về việc thỏa thuận thi hành án này là một trong những căn cứ, điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

    - Việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho trẻ đến 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ người bị hại (đã chết) cho tới khi qua đời:

    Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2014, trường hợp cá nhân bị kết án, có nghĩa vụ nghĩa vụ cấp dưỡng cho trẻ đến 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ người bị hại (đã chết) cho tới khi qua đời có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, để thi hành nghĩa vụ này, Sở Tư pháp có thể hướng dẫn đương sự thỏa thuận với người giám hộ của trẻ hoặc cha, mẹ của người đã chết để thi hành nghĩa vụ này trong một lần hoặc thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ làm nhiều giai đoạn. Trường hợp đương sự thực hiện xong nghĩa vụ; đồng thời có xác nhận của cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành/UBND cấp xã trong văn bản thỏa thuận là một trong những điều kiện để đương nhiên được xóa án tích.

    - Trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên đới:

    Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ liên đới, để được coi là chấp hành xong nghĩa vụ liên đới, người thực hiện nghĩa vụ liên đới phải chấp hành xong toàn bộ nghĩa vụ hoặc chấp hành xong nghĩa vụ của mình và được bên có quyền chấp thuận và xác nhận. Việc thực hiện nghĩa vụ và sự chấp thuận đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự liên đới phải có sự xác nhận của cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành.

    6. Về xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đối với trường hợp chưa có thông tin về tình trạng thi hành án phí trong bản án của người bị kết án có yêu cầu cấp Phiếu LLTP

    Trường hợp người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP khẳng định đã nộp án phí nhưng đã làm mất giấy biên nhận của người thu án phí, đề nghị Sở Tư pháp có văn bản xác minh gửi cơ quan thi hành án dân sự có liên quan yêu cầu cung cấp thông tin: Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có văn bản trả lời không rõ, không có thông tin về tình trạng thi hành án phí của người bị kết án nêu trên thì Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định.

    Trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo những người bị kết án này chưa thi hành án phí thì Sở Tư pháp đề nghị những người này đến cơ quan thi hành án có liên quan yêu cầu thi hành án phí theo quy định. Căn cứ thông báo của cơ quan thi hành án về việc đã thi hành hay không tiếp nhận thi hành án phí, Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ điều kiện khác theo quy định.

    7. Cách tính thời hạn xóa án tích trong trường hợp có nhiều bản án, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

    - Căn cứ Khoản 2, Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

    - Trường hợp người đang thi hành án tiếp tục bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật mới, trong đó, bản án mới tổng hợp hình phạt của bản án đang phải thi hành thì thời hạn xóa án tích tính từ ngày chấp hành xong hình phạt chính đã được tổng hợp. Tuy nhiên, việc xóa án tích phải thực hiện đối với từng bản án theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015.

    (Căn cứ: Công văn 558/2018/TTLLTPQG-HCTH)

     
    5600 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    admin (08/06/2021) ThanhLongLS (07/06/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận