Dưới đây là 6 quy định pháp luật quan trọng người dân cần biết kể từ 15/11/2020.
1. Uống rượu bia khi chưa đủ 18 tuổi, cả con lẫn cha mẹ và người bán đều bị phạt
Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ 15/11.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 36 của Nghị định này:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia.”
Đối với người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu bia, Khoản 1 Điều 30 quy định:
“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.”
(Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính phạt tiền đối với người dưới 16 tuổi)
Đối với người bán rượu bia, mức phạt tại Khoản 1 Điều 31 như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;
…”
Trước ngày 15/11, mức xử phạt đối với hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi được quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 98/2020/NĐ-CP là 500.000 nghìn đồng đến 1.000.000 đồng.
2. Lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; uống rượu bia khi chưa hết giờ làm việc, học tập đều có thể bị xử phạt
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 30 Nghị định 117 quy định mức phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.”
Tại Khoản 3 Điều này còn quy định:
“3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.”
3. Phạt nặng hành vi sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công
Tại Khoản 3 Điều 42 Nghị định 117 quy định mức phạt dành cho hành vi này như sau:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
b) Sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công;
…”
Theo đó, mức phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng .
Những mức phạt khác liên quan đến các cơ sở hỗ trợ sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được quy định tại Điều 42 của Nghị định này.
4. Sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá cũng bị phạt
Theo đó, Khoản 2 Điều 29 Nghị định 117 có quy định:
"2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá;
b) Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá."
Như vậy trường hợp người hút thuốc lá nhờ con, em, cháu chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá cũng sẽ bị xử phạt đến 1.000.000 đồng.
5. Sinh viên sư phạm được hỗ trợ thêm 3.63 triệu đồng mỗi tháng bên cạnh việc miễn học phí
Đây là quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP:
"Điều 4. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ:
a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường."
Tại Khoản 2 Điều 4 quy định mỗi năm học, sinh viên sư phạm được hưởng trợ cấp tối đa 10 tháng.
Cũng theo Nghị định, trong 2 năm sau khi tốt nghiệp, nếu sinh viên không làm việc trong ngành sư phạm hoặc đang trong thời gian đào tạo mà tự ý nghỉ học, chuyển ngành, bị kỷ luật buộc thôi học thì phải bồi hoàn chi phí đã được hỗ trợ (Khoản 1 Điều 6)
Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2020.
6. Bổ sung căn cứ xác định số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định 106/2020/NĐ-CP Quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm trong các đơn vị sự nghiệp, trong đó tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 quy định:
Căn cứ xác định số lượng người làm việc bao gồm:
- Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.
Căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp bao gồm:
- Danh mục vị trí việc làm;
- Mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm;
- Tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.
Văn bản bị thay thể bởi Nghị định này là Nghị định 41/2012/NĐ-CP, trong đó chỉ quy định về Căn cứ xác định vị trí việc làm tại Điều 4
Nghị định 106/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/11/2020.
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 14/11/2020 03:21:44 CH