6 bộ phim truyền cảm hứng cho người theo đuổi nghề luật
Đừng vội nghĩ học ngành luật là chung thân với những gì khô khan, cứng nhắc, những chồng văn bản luật và án lệ dày cộp. Bạn cũng có thể hiểu thêm nhiều điều về luật học cũng như lý tưởng mà nghề này hướng tới qua những bộ phim giàu tính nhân văn hay có thêm cái nhìn khác về các vụ án kinh điển qua những bộ phim được xây dựng dựa trên các câu chuyện có thật.
1. Twelve Angry Men (Tạm dịch: 12 người đàn ông giận dữ) (1957)
Được đánh giá là “có giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ”, 12 người đàn ông giận dữ luôn nằm trong tốp đầu danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Dài 96 phút, nhưng gần như toàn bộ thời lượng của bộ phim chỉ xoay quanh cuộc bàn thảo của 12 thành viên bồi thẩm đoàn về tội trạng của một thanh niên 18 tuổi bị buộc tội giết cha. Các nhân chứng, vật chứng có vẻ đều chống lại nghi phạm. Quyết định cuối cùng về sự sống chết của người thanh niên này sẽ phụ thuộc vào các thành viên trong ban bồi thẩm. Nếu tất cả họ đều đồng thuận, cậu thanh niên kia sẽ phải nhận bản án tử hình.
Bộ phim hé mở một cái nhìn vào phòng họp của bồi thẩm đoàn, nơi những lập luận được đưa ra rồi bị đập bỏ, nơi một lá phiếu vô tội có thể đảo chiều tất cả.
2. The Paper Chase (Tạm dịch: Chạy theo tấm bằng) (1973)
Nếu bạn đang cần tìm sự đồng cảm cho cuộc chạy đuổi điên cuồng với bài vở của mình, có lẽ đây là bộ phim rất thích hợp.
James Hart, sinh viên năm nhất trường luật Harvard, đã có một khởi đầu chẳng thể tệ hơn. Cứ tưởng rằng tiết học đầu tiên chỉ là buổi giới thiệu chương trình học, thế nhưng anh chàng đã rơi vào tình cảnh xấu hổ đến nỗi chỉ mong có lỗ nẻ để chui khi vị giáo sư ngay lập tức cho sinh viên nếm mùi khích biện kiểu Socrate và anh là sinh viên đầu tiên bị gọi tên.
Bộ phim cho thấy phương pháp khích biện – sinh viên liên tục phải trả lời những câu hỏi mà giáo sư đặt ra – được áp dụng như thế nào trong chương trình đào tạo luật và phương pháp này có thể có tác dụng ra sao. Và rất có thể, khi bộ phim kết thúc, bạn sẽ thở phào vì thấy những gì mình đang trải qua vẫn chưa phải là ác mộng ghê gớm lắm.
3. In the Name of the Father (Tạm dịch: Nhân danh cha) (1993)
Tháng 10 năm 1974, hai quán rượu ở khu Guildford, London, nơi các quân nhân Anh thường tụ tập, bị đánh bom, khiến bốn lính Anh và một người dân thiệt mạng. Dưới áp lực phải bắt ngay những kẻ chịu trách nhiệm, tháng 12 năm đó, cảnh sát London bắt giữ 4 người. Từ đây, cuộc chiến pháp lý đưa đến nhiều thay đổi quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự Anh và Wales bắt đầu, trong đó phải kể đến việc thành lập hai tổ chức là Ủy ban Thẩm định Hình sự và Viện Công tố Hoàng gia,
Dựa trên câu chuyện có thật trên, Nhân danh cha kể lại hành trình hơn 15 năm đi tìm công lý sau song sắt của Gerry Conlon, rồi trở thành người phát động chiến dịch đòi tự do và trả lại công lý cho những người bị kết án oan trong các vụ ném bom Guildford. Song song với câu chuyện của Gerry, bộ phim cũng kể lại hành trình của luật sư Gareth Peirce khi cô tham gia vào cuộc điều tra và chứng tỏ sự vô tội của những người liên can.
4. To Kill a Mockingbird (Giết cho chim nhại) (1962)
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển cùng tên của Harper Lee, bộ phim lấy bối cảnh ở một thị trấn nhỏ ở Alabama, Mỹ trong những năm 1930 khi người dân vẫn còn nặng đầu óc phân biệt chủng tộc. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định làm luật sư biện hộ cho Tom, một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Ở một thị trấn nhỏ còn đầy định kiến như ở Maycomb, điều này đồng nghĩa với việc Tom được cho đương nhiên là có tội và Atticus gặp rắc rối lớn vì đã đồng cảm và cố chứng minh Tom vô tội.
Cũng như tiểu thuyết gốc, bộ phim là câu chuyện về hy vọng, về sự xóa bỏ bất công trong xã hội và về công lý bình đẳng cho tất cả mọi người.
5. 10 Rillington Place (Tạm dịch: Căn hộ số 10 ở Rillington) (1971)
Dựa trên câu chuyện có thật, bộ phim mang màu sắc kinh dị này kể về vụ án với nhiều sai phạm cho thấy sự yếu kém của hệ thống thực thi công lý, một trong những vụ án chủ chốt cuối cùng đã dẫn đến quyết định bỏ án tử hình của nước Anh năm 1965.
Timothy Evans, một người xứ Wales, chuyển đến London cùng gia đình. Anh cùng vợ trọ tại căn hộ số 10 Rillington của John Christie, một kẻ chuyên sử dụng chiêu chữa bệnh cho phụ nữ để giết hại và cưỡng bức họ. Cái chết của vợ và con gái Tim cùng việc anh này khai nhận tội đã định sẵn bản án tử hình cho Tim dù quá trình điều tra cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Vụ việc chỉ được lật lại khi ba năm sau đó khi người ta tìm thấy xác của các nạn nhân khác chết dưới tay của Christie.
Căn hộ số 10 ở Rillington là một tiếng chuông cảnh báo tại sao án tử hình cần phải được xóa bỏ.
6. Judgment at Nuremberg (tạm dịch: Phán quyết tại Nuremberg) (1961)
Lấy bối cảnh ở Nuremberg, Đức năm 1948, bộ phim xoay quanh phiên tòa xét xử bốn thẩm phán và công tố viên người Đức vì đã phạm phải những tội ác chống lại loài người khi sử dụng chức quyền của mình để thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Do Thái. Người phải chịu trách nhiệm cho những tội ác này không chỉ có mình Hitler. Người ta đã nhân danh luật pháp để tiến hành những việc làm phi nhân tính, cho phép bỏ tù hoặc kết tội chết một người chỉ vì tôn giáo, dân tộc, niềm tin chính trị của anh ta.
Bộ phim đáng xem không chỉ vì ý nghĩa lịch sử của nó, mà còn giúp hiểu thêm bối cảnh ra đời của các Tòa Xét xử Tội phạm Quốc tế chuyên xét xử tội phạm chiến tranh./.
Nguồn: Luật Khoa