Đánh cắp thông tin cá nhân - Minh họa
Số CMND, CCCD, điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, mã số thuế, BHYT, tài khoản ngân hàng,... đều có thể trở thành nạn nhân của hành vi đánh cắp dữ liệu, tuy nhiên vì sao chúng lại muốn những thông tin này và hậu quả đằng sau là gì?
1. Bán cho những người làm marketing
Phải nói rằng, tôi tin là ai chúng ta cũng đã từng được nhận hoặc thấy người xung quanh những cuộc gọi tư vấn, chèo kéo mua hàng, sử dụng dịch vụ, bảo hiểm, cho vay, mua đất. Tình trạng này xảy ra nhiều với nhóm đối tượng đang đi làm cho một doanh nghiệp, một tổ chức nào đó.
Họ làm được chuyện này chắc chắn là do đã có thông tin cá nhân của bạn, tuy nhiên bạn đã từng thắc mắc rằng những doanh nghiệp cần bán dịch vụ, bán sản phẩm này đã đi tìm thông tin của bạn ở đâu không?
Lướt một vòng internet với từ khóa “mua data khách hàng” hay “mua dữ liệu khách hàng”, đảm bảo các bạn sẽ nhận được bảng báo giá gồm số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp, mức thu nhập... của khách hàng. Bỏ ra từ vài trăm nghìn đền vài triệu đồng là có trong tay thông tin của 1.000 khách hàng tiềm năng, xin nhắc lại, là một ngàn người.
Một trận đấu bóng đá sẽ có khoảng 20-30 người tham gia, bao gồm cả HLV, dự bị, bạn nhân con số này lên 50 lần thì sẽ biết là nhiều như thế nào rồi đó!
Như vậy điều đầu tiên họ có thể làm với những thông tin có được từ bạn chính là “bán dữ liệu”.
Việc bán dữ liệu này còn liên quan đến những hành vi phạm pháp được liệt kê sau đây.
2. Lừa đảo, tống tiền
Tưởng tượng một người gọi điện đến, đọc nhiều thông tin chính xác về bạn – chỉ đến đây thôi là họ đã tạo được một niềm tin đáng kể rằng họ đến từ một cơ quan chức năng nào đó và yêu cầu bạn phải thực hiện những yêu cầu nhất định, thậm chí còn có người đã nghe lời và chuyển khoản một khoản tiền không nhỏ!
Trong trường hợp thông tin từ máy tính, điện thoại của bạn bị đánh cắp do các đoạn mã độc, các ứng dụng không đáng tin cậy – đã từng có nhiều trường hợp bị tống tiền bằng những hình ảnh, video riêng tư, lúc này kể cả có thể xử phạt người vi phạm, tuy nhiên danh dự, nhân phẩm nạn nhân thì không thể dễ dàng đền bù được!
3. Lập hồ sơ tài chính giả với các tổ chức tín dụng
CIC là hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống này sẽ đánh giá bạn trên một thang điểm, đại khái là “Bạn có đáng tin cậy để được cho vay hay không”.
Để có được điểm đánh giá này, họ sẽ để các ngân hàng, công ty tài chính cập nhật thông tin, chẳng hạn "Anh A đã vay của chúng tôi 10 triệu đồng, anh này trả rất lâu, thường xuyên trễ hạn, thậm chí có khoản vay của anh này đã 1 năm trời không thanh toán!"
Kỳ lạ thay, anh A này chưa từng đi vay ở đâu cả, vậy thì tại sao anh lại bị “đánh giá thấp” như vậy? Xin thưa, đấy là do các đối tượng có được thông tin của anh A đã lập ra các hồ sơ vay bằng những thông tin đánh cắp được, lợi dụng sự lỏng lẻo trong thủ tục lập hồ sơ vay ở một số tổ chức tín dụng, công ty tài chính và làm hồ sơ vay tiền.
Tất nhiên là sau đó chúng sẽ không trả nợ, nhưng vì thông tin của người đi vay là anh A nên trên hệ thống đánh giá, anh A mới là người “không đáng tin cậy để được cho vay”!
4. Làm giả giấy tờ nhân thân
Thậm chí, trường hợp xấu hơn, người có được thông tin của bạn còn có thể lập ra một loạt các giấy tờ chứng minh nhân thân, sau đó dùng danh tính giả này thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Đến cuối cùng, người bị các cơ quan chức năng liên hệ để điều tra lại là bạn!
5. Làm ảnh hưởng đến các thủ tục pháp lý, phúc lợi xã hội
Thậm chí, đến cả một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT cũng từng bị lợi dụng sự sơ hở trong bảo mật của và bị kẻ gian khai thác trái phép cơ sở dữ liệu, thông tin của người bệnh.
Ngoài ra, có không ít các trường hợp cá nhân khi đăng ký mã số thuế thì phát hiện đã có người sử dụng khi đó phải tốn thời gian liên hệ với cơ quan thuế để hủy mã số đó và xin cấp mã số thuế mới.
Hành vi này liên quan đến việc một số cá nhân, doanh nghiệp lấy thông tin CMND/CCCD để đăng ký mã số thuế.
Cập nhật bởi jacktran159 ngày 19/05/2021 05:25:32 CH