5 biểu hiện vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của nhiều nhà báo hiện nay

Chủ đề   RSS   
  • #491074 05/05/2018

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    5 biểu hiện vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của nhiều nhà báo hiện nay

    >>> Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội thì sẽ bị xử lý như thế nào?

    “Nguyên tắc suy đoán vô tội” được xem là nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ quyền con người trong pháp luật tố tụng hình sự từ trước đến nay.

    Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định:

    Điều 9. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật

    Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

    Rồi đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thay thế cũng quy định nội dung này một cách rõ hơn:

    Điều 13. Suy đoán vô tội

    Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

    Không chỉ vậy, trong Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự của Liên hợp quốc năm 1966 đều khẳng định: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”.

    Đồng thời, trách nhiệm chứng minh bị can, bị cáo vô tội là trách nhiệm của cơ quan công quyền, chứ không phải của bản thân họ.

    Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

    Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

    (Trích Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015)

    Việc nhiều nhà báo vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người mà ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí và gây nhiễu loạn thông tin, khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công cuộc tìm ra sự thật. Dưới đây là một số biểu hiện điển hình, nếu bạn là nhà báo hoặc có nguyện vọng trở thành nhà báo thì nên xem qua để tránh những vi phạm này:

    1. Không trực tiếp đến hiện trường lấy thông tin mà chỉ cóp nhặt trên mạng xã hội

    Với nhu cầu phục vụ cập nhật thông tin hàng giờ, hàng phút của công chúng, nhiều tờ báo đã vào cuộc đua đưa thông tin mới nhất, nóng nhất mà không thông qua khâu kiểm duyệt, thậm chí, một số nhà báo không trực tiếp đến hiện trường lấy thông tin mà chỉ cóp nhặt trên mạng xã hội, tổng hợp từ những lời đồn đoán và đưa tin, từ đó dẫn đến thông tin không chính xác, trung thực, thậm chí mâu thuẫn trong chính các bài viết của mình

    2. Dùng các từ “hung thủ”, “sát thủ”, “kẻ giết người”, “kẻ thủ ác”…để chỉ nghi phạm, bị can, bị cáo

    Tự ý suy diễn, kết tội và áp đặt bản án cho nghi phạm khi chưa có kết luận bằng bản án của Tòa án. Cụ thể, các bài báo sẽ đưa tin về các vụ án, đặc biệt các vụ án giết người, hiếp dâm, không khó để các bạn bắt gặp các cụm từ như “hung thủ”, “hung thủ giết nguời”, “sát thủ”, “kẻ giết nguời”, “kẻ thủ ác”… mà tác giả bài báo dùng chỉ nghi phạm, bị can, bị cáo của vụ án.

    3. Sử dụng ngôn từ, hình ảnh miệt thị đối với người bị quy kết có tội và gia đình của họ

    Ví dụ như dùng các từ miệt thị như là “y”, “thị”, “hắn”, “kẻ”, “gã”, “bọn chúng”, “nữ quái”, “yêu râu xanh”, “tên giết người”, “kẻ thủ ác”, “gã đồ tể”, “kẻ lừa đảo”... dù chưa biết chính xác họ có tội hay không. Việc báo chí dùng những lời lẽ, ngôn ngữ miệt thị đối với nghi phạm vừa tạo ra ác cảm với những nghi phạm, vừa gây bất lợi cho nghi phạm trong quá trình các cơ quan chức năng đi tìm sự thật của vụ án.

    4. “Đào bới” thông tin quá khứ của nghi phạm

    Đồng thời, “moi móc” thông tin về người thân theo hướng bất lợi cho nghi phạm. Giữ gìn và bảo vệ nhân phẩm con người là một trong những nhiệm vụ của những người làm báo. Nhưng hiện nay, tình trạng “bới móc” đời tư làm xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự các cá nhân (đặc biệt là các bị can, bị cáo, nghi can, nghi phạm và những người thân của họ) trên báo chí đang ngày càng phổ biến.

    5. Tưởng tượng diễn biến câu chuyện, vụ án và miêu tả chi tiết tình tiết với những ngôn ngữ, hình ảnh rùng rợn

    Nhiều tờ báo đưa tin quá đậm, tới mức dày đặc về các vụ án giết người. Nhiều bài báo còn mô tả chi tiết, rùng rợn, kết hợp với một số kết luận có tính suy diễn, quy chụp làm méo mó bản chất sự việc; gây hoang mang trong xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình đi tìm sự thật của vụ án.

    Trách nhiệm của nhà báo là đưa tin. Nhưng đi cùng với trách nhiệm ấy là trách nhiệm của con người trước số phận của những con người khác. Nhà báo nên biết khai thác như thế nào và dừng lại ở đâu. Đằng sau mỗi nhân vật là gia đình, người thân, bạn bè, sự nghiệp… Số phận của họ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hay xấu khi tác phẩm của nhà báo được công bố. Sự vô tình, vô cảm, thiếu trách nhiệm, cẩu thả… của nhà báo có thể tạo nên những định kiến dẫn đến hủy hoại nhân vật. Trước khi thực hiện thiên chức, mỗi nhà báo phải biết yêu thương, trân trọng, thông cảm với nhân vật, số phận của những con người trong chính các tác phẩm của mình. 

    Bài viết tham khảo từ từ nguồn Tạp chí Kiểm sát.

     
    4793 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn trang_u vì bài viết hữu ích
    ntdieu (05/05/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận