Xử lý người đăng tải video có đồng phục trường HUTECH - Minh họa
Hôm qua, hàng loạt trang báo điện tử đăng tải bài viết về vụ ban lãnh đạo trường Đại học HUTECH đề nghị cơ quan công an điều tra người đăng tải video nhạy cảm của một nữ sinh đang mặc áo đồng phục của trường này. Sau khi bỏ thời gian tìm hiểu, mình đã tìm được hai lý do để đưa ra quan điểm: Người đăng tải video này sẽ không bị xử phạt!
Chuyện mặc áo khi “vui vẻ” là không có gì sai!
Đồng ý rằng video nhạy cảm là một thứ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tuy nhiên sự “không phù hợp” này nằm ở chỗ chúng ta đưa những thứ “nhạy cảm” lên mạng xã hội, chứ không liên quan đến việc người trong video mặc áo gì!
Lấy một ví dụ đơn giản: Chẳng có hãng thời trang nào kiện những người xuất hiện trên các video nhạy cảm vì mặc quần áo do họ sản xuất!
Hơn nữa, nếu cho rằng điều này ảnh hưởng đến uy tín của trường, dường như không có căn cứ để chứng minh cho đến khi chúng ta biết được đâu là “thiệt hại” do vụ việc này gây ra.
Nhà trường cho rằng sắp đến giai đoạn tuyển sinh nên vụ việc có thể khiến số lượng người đăng ký vào trường giảm xuống, như vậy lại càng phải đợi đến khi có thống kê con số cụ thể!
Đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính?
Giả sử người đăng tải video bị xử phạt, căn cứ xử phạt là tại Điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
…
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
…”
Tuy nhiên, vì đây là quy định xử phạt hành chính, cần áp dụng thời hiệu xử phạt theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.”
Lĩnh vực xử phạt của hành vi này không nằm trong danh sách các lĩnh vực có thời hiệu xử phạt 02 năm.
Video trên được đăng tải từ hơn một năm trước, có nghĩa là thời hiệu để xử lý người đăng đã không còn!
Mời các bạn đóng góp ý kiến!