12 việc cần làm ngay sau khi đăng ký doanh nghiệp

Chủ đề   RSS   
  • #477441 06/12/2017

    12 việc cần làm ngay sau khi đăng ký doanh nghiệp

    Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục như: đăng bố cáo thành lập, làm con dấu, lập sổ thành viên/cổ đông, in hóa đơn, kê khai thuế ban đầu... Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng không biết làm gì, trình tự thế nào. Bài viết dưới xin đưa ra 12 việc cần làm sau khi nhận được Giấy đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể sau đây:

    1. Kiểm tra nội dung Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    Khi phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    Doanh nghiệp không được tự ý cạo, sửa, viết thêm, … làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

    2. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

    Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục để thông báo công khai thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

    Xem chi tiết trình tự thực hiện và hồ sơ công việc tại đây.

    3. Mở tài khoản ngân hàng cho Công ty

    Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần liên hệ các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình.

    Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nữa.

    Xem chi tiết tại đây.

    4. Thông báo mẫu con dấu

    Doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu của công ty; trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

    Mỗi công ty có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước. Tức là, công ty có bao nhiêu con dấu cũng được, nhưng tất cả chúng đều phải thống nhất theo một mẫu dấu đã đăng ký.

    Công ty phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở trước khi sử dụng hay khi có thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của công ty.

    Xem chi tiết tại đây.

    5. Khai, nộp lệ phí lệ thuế môn bài

    Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

    Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

    Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.

    Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;

    Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

    Xem chi tiết trình tự thực hiện và hồ sơ công việc tại đây

    6. Thông báo cho cơ quan thuế về việc đặt in hóa đơn lần đầu 

    Doanh nghiệp mới thành lập nếu đủ điều kiện tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; thì, gửi văn bản Đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in (Mẫu số 3.14 thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.

    Mẫu hóa đơn là do doanh nghiệp tự thiết kế, nhưng cần đảm bảo có các nội dung như mẫu Hóa đơn giá trị gia tăng (Mẫu 5.1 thuộc Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).

    Xem chi tiết nội dung công việc tại đây.

    7. Treo biển hiệu tại trụ sở công ty

    Biển hiệu của doanh nghiệp phải được treo ở cổng chính hoặc mặt trước của trụ sở, và phải chứa các thông tin sau:

    - Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

    - Tên doanh nghiệp theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

    - Địa chỉ, số điện thoại.

    Chữ viết thể hiện trên biển hiệu phải là tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

    Xem chi tiết nội dung công việc tại đây.

    8. Doanh nghiệp phải thông báo việc đã góp đủ vốn cho Phòng đăng ký kinh doanh (không muộn hơn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn)

    - Trường hợp vốn góp là tài sản phải đăng ký hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn cần tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

    - Các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ đông công ty cổ phần phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho doanh nghiệp như sau:

    + Đối với tài sản được đăng ký hoặc quyền sử dụng đất thì bên góp vốn phải làm chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    + Đối với tài sản mà phải không đăng ký quyền sở hữu, thì việc góp vốn phải có giao nhận tài sản góp vốn dưới hình thức biên bản.

    + Đối với cổ phần (phần vốn góp) bằng tài sản là ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng được coi là thanh toán xong chỉ khi quyền sở hữu đối với tài sản đó đã được chuyển sang doanh nghiệp.

    - Đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ty.

    9. Lập sổ đăng ký thành viên/ sổ đăng ký cổ đông, chứng nhận góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho cơ quan Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày.

    10. Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì phải gửi thông báo bằng văn bản về thời hạn, thời điểm tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong thời hạn 15 trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

    11. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp Quyết định thay đổi các nội dung liên quan.

    12. Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

    Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động.

    Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 07/12/2017 07:58:12 SA Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:50:30 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:49:33 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:45:36 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:43:46 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:42:39 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:40:47 CH Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 06/12/2017 05:39:48 CH
     
    4700 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận