10 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2020

Chủ đề   RSS   
  • #563235 24/11/2020

    vankhanhnhu
    Top 200
    Female
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:10/11/2020
    Tổng số bài viết (445)
    Số điểm: 8732
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 536 lần


    10 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2020

    chính sách tháng 12/2020

    Chính sách nổi bật tháng 12/2020

    Tiếp tục cập nhật những văn bản pháp luật sắp có hiệu lực, xin gửi tặng các thành viên Danluat 10 chính sách đáng chú ý bắt đầu có hiệu lực trong tháng 12 tới.

    1. Sẽ có Điều lệ mẫu dành cho các quỹ từ thiện

    Thời gian gần đây, những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân đã chỉ ra tầm quan trọng của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

    Hiện nay Nghị định 93/2019/NĐ-CP điều chỉnh về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tuy nhiên trong đó vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể những mẫu quyết định, mẫu điều lệ, các biểu mẫu khác liên quan đến các quỹ này.

    Điều lệ mẫu của quỹ từ thiện đã được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện sắp có hiệu lực từ 01/12/2020.

    Xem chi tiết tại file đính kèm cuối bài.

    2. Căn cứ để Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

    Các biển pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vẫn được áp dụng kể cả khi đương sự không yêu cầu (Điều 135), tuy nhiên vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn những căn cứ cụ thể để Tòa án được tự mình ra quyết định áp dụng.

    Trên tình thần làm rõ những căn cứ đó, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Khoản 1 Điều 5:

    “1. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

    a) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;

    b) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 và các điều từ Điều 115 đến Điều 119 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

    c) Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.”

    Ví dụ:

    Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại khoản 2 Điều 114 và Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng; xét thấy việc cấp dưỡng đó là có căn cứ; nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng và đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

    Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/12/2020.

    3. Người tố cáo (theo Luật tố cáo) là người lao động theo hợp đồng sẽ không bị phân biệt đối xử.

    Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó tại Điều 7 có quy định Trách nhiệm của người sử dụng người lao động trong việc bảo vệ người lao động có những nội dung cơ bản sau:

    1. Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ.

    2. Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.

    ...

    Xem chi tiết tại đường dẫn bên dưới:

    >>> Thông tư hướng dẫn bảo vệ đối với người tố cáo là người làm việc theo HĐLĐ.

    Khi người lao động thực hiện quyền tố cáo của mình, trên thực tế có rất nhiều vấn đề xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân và tài sản của họ, Thông tư 08 là cơ sở để thực hiện việc bảo vệ người tố cáo trong quan hệ lao động.

    Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ 01/12/2020.

    4. Tắc trách trong công tác, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể bị cách chức

    Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại 2011.

    Cụ thể, Điều 41 Nghị định này quy định 2 trường hợp sẽ áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

    - Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

    - Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

    Nghị định có hiệu lực từ 10/12/2020.

    5. Phạm nhân nữ được tăng gấp đôi lượng lương thực khi mang thai, nuôi con dưới 2 tuổi

    Đây là quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự 2019.

    Trước đây, phạm nhân nữ chỉ được tăng 20-30% lượng lương thực so với khi không mang thai, không nuôi con nhỏ. (Khoản 6 Điều 8 Nghị định 117/2011/NĐ-CP)

    Xem các chế độ dành cho phạm nhân theo Nghị định này TẠI ĐÂY

    Nghị định 133 có hiệu lực kể từ 25 tháng 12 năm 2020, thay thế cho Nghị định 117/2011/NĐ-CPNghị định 90/2015/NĐ-CP

    6. Đã có quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn.

    Nghị định 125/2020/NĐ-CP là Nghị định mới quy định về xử phạt hành chính liên quan đến thuế, hóa đơn.

    Trong đó, mức xử phạt tối đa đối với hành vi "nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp" đã tăng lên thành 15 triệu đồng (Điểm b Khoản 4 Điều 13). Mức phạt cho hành vi này tại văn bản bị thay thế (Nghị định 129/2016/NĐ-CP) chỉ là 5 triệu đồng.

    Nghị định 125 có hiệu lực từ 05/12/2020

    Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

    7. Tiêu chí xác định xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực đặc biệt khó khăn giao đoạn 2021-2025

    Nội dung này được quy định tại Quyết định 33/2020/QĐ-TTg:

    Trong giai đoạn này, tiêu chí xác định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm:

    - Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số).

    - Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:

    + Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của xã;

    + Có số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên;

    + Số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm;

    + Đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20 km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông.

    (Quy định tại Điều 3 của Quyết định)

    Trong đó xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xác định là:

    - Các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

    - Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

    (Quy định tại Điều 2 của Quyết định)

    Quyết định 33 có hiệu lực kể từ 31/12/2020.

    8. Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam bị phạt đến 100 triệu đồng

    Đây là nội dung thuộc Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2020.

    Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này như sau:

    “1. Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam thì bị xử phạt như sau:

    a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 30.000.000 đồng;

    b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

    c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

    d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.”

    Ngoài ra các tang vật còn có thể bị tịch thu hoặc tiêu hủy.

    Các văn bản bị thay thế bởi Nghị định này là Nghị định 127/2013/NĐ-CPNghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 127 đề không có quy định xử phạt hành vi trên.

    9. Những đối tượng cụ thể phải kê khai tài sản hàng năm

    Theo Điểm b Khoản 3 Điều 36 Luật phòng chống tham nhũng 2018, một trong những đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản hàng năm là:

    “a) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12;

    b) Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.”

    Theo đó, Nghị định 130/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể những đối tượng là “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác” tại Điều 10.

    Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

    Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ 20/12/2020.

    10. Phạt nặng các trang thông tin đăng tải chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng

    Quy định này nằm trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó, tại Khoản 2 Điều 20:

    "2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định;

    b) Cung cấp thông tin có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng;

    ..."

    Văn bản được thay thế bởi Nghị định này là Nghị định 159/2013/NĐ-CP không quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi này.

    Nghị định 119 có hiệu lực kể từ 01/12/2020.

     
    4784 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn vankhanhnhu vì bài viết hữu ích
    thienhuyendl (24/11/2020) ThanhLongLS (24/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận