1 bị đơn cho 2 vụ án khác nhau, nguyên đơn phải kiện thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610372 08/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 533 lần


    1 bị đơn cho 2 vụ án khác nhau, nguyên đơn phải kiện thế nào?

    Có nhiều trường hợp 1 nguyên đơn muốn kiện 1 bị đơn nhưng lại có 2 vấn đề khác nhau cần giải quyết. Như vậy, trường hợp này nguyên đơn phải nộp mấy đơn khởi kiện? Nguyên đơn có nộp cùng lúc 2 đơn khởi kiện 1 người cho 2 vụ án khác nhau không?

    Giải thích các khái niệm

    Vụ án dân sự

    Việc các chủ thể xảy ra các tranh chấp nảy sinh từ các quan hệ hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại và các quan hệ dân sinh trong đời sống xã hội khác, được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước giải quyết được gọi là các vụ án dân sự. 

    Các tranh chấp dân sự được coi là vụ án dân sự khi có chủ thể trong quan hệ tranh chấp đó đưa vấn đề tranh chấp ra trước tòa án để được giải quyết, việc đưa vấn đề tranh chấp đó ra trước cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được gọi là “khởi kiện”. 

    Khởi kiện vụ án dân sự

    Hiện nay pháp luật không quy định khái niệm khởi kiện vụ án dân sự, nhưng có quy định về quyền khởi kiện của các chủ thể của các quan hệ pháp luật. 

    Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau:

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Như vậy, có thể hiểu khởi kiện vụ án dân sự là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Đương sự trong vụ án dân sự

    Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó:

    - Nguyên đơn là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

    Cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

    - Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    1 nguyên đơn được khởi kiện 1 bị đơn cùng lúc 2 vụ án khác nhau không?

    Theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự như sau:

    - Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

    - Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

    Theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định phạm vi khởi kiện như sau:

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

    - Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

    Đồng thời, tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nhập hoặc tách vụ án như sau:

    - Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

    Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

    - Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

    - Khi nhập hoặc tách vụ án, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Như vậy,

    - Nếu 1 nguyên đơn khởi kiện 1 bị đơn với 2 quan hệ pháp luật khác nhau thì nguyên đơn có quyền nộp 2 đơn khởi kiện 2 vụ án khác nhau. 

    Tuy nhiên, nếu các quan hệ pháp luật đó có liên quan với nhau thì nguyên đơn có thể kiện bị đơn trong cùng 1 vụ án để thuận tiện trong quá trình giải quyết.

    Đồng thời, sau khi thụ lý, Toà án sẽ xem xét các quan hệ pháp luật và quyết định nhập, tách vụ án để việc giải quyết được phù hợp và thuận tiện hơn.

    - Nếu 1 nguyên đơn khởi kiện nhiều bị đơn trong cùng một quan hệ pháp luật thì nguyên đơn kiện trong cùng 1 vụ án.

    - Nếu 1 nguyên đơn khởi kiện nhiều bị đơn trong nhiều quan hệ pháp luật khác nhau thì nguyên đơn khởi kiện theo từng vụ án khác nhau.

    Quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự

    Quyền và nghĩa vụ chung của đương sự

    Theo Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

    - Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

    - Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

    - Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

    - Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    -. Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

    - Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

    - Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    - Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

    - Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

    - Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

    - Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

    - Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

    - Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    - Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    - Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

    - Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

    - Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    - Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

    - Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

    - Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

    - Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    - Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    - Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    - Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.

    - Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.

    Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn

    Theo Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nguyên đơn có các quyền, nghĩa vụ sau:

    - Các quyền, nghĩa vụ chung của đương sự.

    - Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

    - Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    Quyền và nghĩa vụ của bị đơn

    Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bị đơn có các quyền, nghĩa vụ sau:

    - Các quyền, nghĩa vụ chung của đương sự.

    - Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

    - Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    - Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn.

    - Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn.

    - Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.

    Trên đây là toàn bộ giải đáp cho câu hỏi 1 nguyên đơn được khởi kiện 1 bị đơn cùng lúc 2 vụ án khác nhau không? Người đọc có thể tham khảo để cập nhật các quy định pháp luật.

     
    1841 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (03/06/2024) motchutmoingay24 (09/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận