08 điểm mới Doanh nghiệp cần lưu ý về quản lý thuế theo Nghị định 126/2020

Chủ đề   RSS   
  • #564570 08/12/2020

    NgocHoLaw
    Top 150
    Lớp 5

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/09/2018
    Tổng số bài viết (556)
    Số điểm: 6728
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 298 lần


    08 điểm mới Doanh nghiệp cần lưu ý về quản lý thuế theo Nghị định 126/2020

    doanh nghiệp cần lưu ý

    Điểm mới Doanh nghiệp cần lưu ý - Ảnh minh họa

    Từ ngày 05/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế. Doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì tại Nghị định 126/2020? Bài viết sau sẽ nêu một số điểm mới tại Nghị định 126/2020 có ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

    1. Cách xác định kê khai thuế GTGT theo quý

    Người nộp thuế tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

    - Người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

    Đối với trường hợp người nộp thuế đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.

    - Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.

     - Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

     2. Các trường hợp được khai thuế GTGT

    Theo điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì Khai thuế GTGT theo quý áp dụng đối với các trường sau:

    - Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng GTGT theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế GTGT theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.

    Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

    - Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

    3. Các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/NĐ-CP thì người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

    - Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

    - Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

    - Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.

    - Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

    4. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định định 126/2020/NĐ-CP thì:

    Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

    Lưu ý:

    - Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

    - Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

    - Người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.

    - Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế không được đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh khi cơ quan thuế đã có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

    So với quy định trước đây tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 83/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP như sau:

    “5. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh đã có văn bản đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại sau thời gian tạm ngừng và đã có văn bản thông báo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký thì thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định. Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại.”

    5. Ngân hàng phải cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế

    Khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm:

    + Tên chủ tài khoản;

    + Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp;

    + Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

    Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 05/12/2020.

    Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp.

    Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.

    6. Bổ sung hướng dẫn về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

    Luật quản lý thuế 2019 bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cụ thể là "Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu".

    Vì vậy, tại Nghị định 126/2020 đã bổ sung hướng dẫn chi tiết về biện pháp này so với Điều 19 Nghị định 129/2013/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn Nghị định này.

    7. Hướng dẫn chi tiết về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh

    Khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:

    - Khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 126 tại nơi có dự án đầu tư.

    - Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

    - Khai thuế giá trị gia tăng tại nơi có nhà máy sản xuất điện.

    - Khai thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất, gia công hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc nơi cung ứng dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán).

    Trường hợp người nộp thuế trực tiếp nhập khẩu hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó bán trong nước thì người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

    - Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường, trừ thuế bảo vệ môi trường của hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126.

    - Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh than (gồm cả trường hợp tiêu dùng nội bộ), trừ thuế bảo vệ môi trường quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126.

    - Khai thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên đối với hoạt động sản xuất thủy điện trong trường hợp lòng hồ thủy điện của nhà máy thủy điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh; hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô; hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên và thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật).

    - Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

    - Khai phí bảo vệ môi trường tại nơi khai thác khoáng sản (trừ dầu thô, khí thiên nhiên và khí than; tổ chức thu mua gom khoáng sản từ người khai thác nhỏ lẻ).

    - Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

    8. Số thuế TNDN tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% số thuế cả năm

    Theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 thì tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà người nộp thuế đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

    Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

    Trên đây là những điểm mới Doanh nghiệp cần lưu ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP so với quy định trước đây tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế và Luật quản lý thuế sửa đổi.

     

    Cập nhật bởi NgocHoLaw ngày 09/12/2020 08:12:27 SA
     
    2554 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn NgocHoLaw vì bài viết hữu ích
    ProKTO (09/12/2020) ThanhLongLS (08/12/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận