Để đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân ở Thủ đô Hà Nội, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là hết sức cần thiết. Cùng tìm hiểu 06 trường hợp nào phải cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thủ đô theo quy định mới nhất nhé!
(1) 06 trường hợp phải cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thủ đô
Theo khoản 3 Điều 20 Luật Thủ đô 2024 quy định, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố được thực hiện trong 06 trường hợp sau đây:
- Khu vực đô thị có các công trình xây dựng có kết cấu, khoảng cách giữa các công trình không bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
- Khu vực đô thị có các công trình xây dựng thuộc diện nguy hiểm, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở; khu vực có hạ tầng giao thông không bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông;
- Khu vực đô thị không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đơn vị ở mà không còn đủ quỹ đất để phát triển bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
- Khu vực đô thị không phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; khu vực đô thị có chỉ tiêu dân số vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn của đơn vị ở cần di dời để giảm mật độ dân cư theo quy hoạch;
- Khu vực đô thị có các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ, tu bổ nhưng có các công trình xây dựng xung quanh không phù hợp với việc bảo vệ;
- Khu vực đô thị có trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời theo quy định của pháp luật, có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ hoặc để xảy ra sự cố gây mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo đó, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang.
(2) Hình thức chỉnh trang thủ đô là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô 2024, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố được triển khai thực hiện theo dự án bao gồm:
- Dự án tái thiết một khu vực đô thị cụ thể, trừ dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng;
- Dự án chỉnh trang công trình hoặc một nhóm công trình xây dựng tại một khu vực cụ thể;
- Dự án bảo vệ, tu bổ công trình hoặc một nhóm công trình, khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan đô thị;
- Dự án cải tạo, chỉnh trang hỗn hợp là dự án đầu tư xây dựng trong đó có thể bao gồm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ.
Như vậy, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị tại Thủ đô Hà Nội sẽ được lập thành 04 loại dự án như quy định trên.
(3) Phải có từ 75% người dân đồng thuận dự án thì mới được phê duyệt chỉnh trang, cải tạo
Theo đó, khoản 5 Điều 20 Luật Thủ đô 2024 quy định, đối với khu vực thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Thủ đô 2024 mà chưa có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Thủ đô 2024 thì UBND Thành phố có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang đô thị; tổ chức công bố công khai các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang đô thị kèm theo các thông tin về vị trí, ranh giới và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch phân khu đã được phê duyệt để kêu gọi đầu tư.
Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện mời quan tâm thì thực hiện chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nội dung về bồi thường, tái định cư, phương án xử lý tài sản công, phân chia lợi ích từ việc tổ chức cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đặc biệt, đồ án quy hoạch chi tiết, thông tin về dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị phải được công bố công khai tại khu vực dự án cải tạo, chỉnh trang và trên các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ được phê duyệt nếu có từ 75% số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tương đương với ít nhất là 75% diện tích khu vực cải tạo, chỉnh trang đồng thuận.
Nhìn chung, quy định này đã tạo ra một cơ chế rõ ràng, minh bạch và dân chủ để thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị tại Hà Nội. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đô thị mà còn đảm bảo quyền lợi của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.