06 giải pháp thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia 2021 - 2030

Chủ đề   RSS   
  • #611242 06/05/2024

    thuytrangak
    Top 75
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:30/08/2017
    Tổng số bài viết (940)
    Số điểm: 7910
    Cảm ơn: 86
    Được cảm ơn 175 lần


    06 giải pháp thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia 2021 - 2030

    Ngày 08/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Theo đó, đưa ra 06 nhóm giải pháp để thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

    Giải pháp về cơ chế, chính sách

    - Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng lộ trình, phương án phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn.

    - Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách về tổ chức, bộ máy phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình quản lý mạng lưới trạm khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, tự động, giảm thiểu nhân lực và chi phí quản lý vận hành; phát triển các dịch vụ khí tượng thủy văn; thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quan trắc khí tượng thủy văn; khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác khí tượng thủy văn, trọng tâm là nhân lực tự động hóa.

    Giải pháp về tổ chức bộ máy, phát triển nhân lực

    - Kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo hướng tập trung, đồng bộ, thống nhất và phù hợp với mô hình quản lý hiện đại, quá trình hiện đại hóa, tự động hóa.

    - Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; bố trí, sắp xếp nhân lực hài hòa, hợp lý, đảm bảo nhất quán trong quá trình tự động hóa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Mở rộng liên kết đào tạo với các tổ chức trong, ngoài nước và trao đổi kinh nghiệm quốc tế để nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn.

    Giải pháp huy động và phân bổ vốn đầu tư

    - Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, các quy định pháp luật khác có liên quan, khả năng bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để đầu tư phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo từng giai đoạn của quy hoạch.

    - Đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại và tận dụng tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định của pháp luật.

    - Khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là cho quan trắc, cung cấp số liệu khí tượng thủy văn tự động, khai thác dữ liệu từ hệ thống trạm chuyên dùng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là các trạm di động trên tàu biển, tàu bay ở vùng trống số liệu chưa được quy hoạch.

    Giải pháp về khoa học và công nghệ

    - Tăng cường chuyển đổi số trong công tác quan trắc khí tượng thủy văn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quan trắc, xử lý, truyền tin và hoạt động của mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia; nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để khai thác hiệu quả dữ liệu từ mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn.

    - Ứng dụng công nghệ quan trắc từ xa tại các khu vực trống dữ liệu hoặc không thể lắp đặt được các trạm cố định, trọng tâm là công nghệ đo không tiếp xúc cho mạng lưới quan trắc thủy văn và hải văn.

    - Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cấp hạ tầng để thu nhận thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tăng cường tích hợp, lồng ghép khai thác số liệu từ các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng; khai thác hiệu quả các kênh viễn thông để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

    Giải pháp về hợp tác quốc tế

    - Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, triển khai các cơ chế hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu theo quy định nhằm nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, nhất là đối với lưu vực sông xuyên biên giới và khí tượng thủy văn biển.

    - Hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ khoa học khí tượng thủy văn phát triển, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn viện trợ, ưu đãi để đầu tư các dự án phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ, chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.

    Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

    - Tổ chức công khai quy hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; đối với trạm khí tượng thủy văn được quy hoạch tại khu vực biển, đảo, nhà giàn DK1 và công trình trên biển khác có liên quan đến khu vực phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng, phải có sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền về quân sự, quốc phòng về phương án đầu tư, nâng cấp, quản lý, sử dụng, khai thác trước khi thực hiện để đảm bảo không ảnh hưởng tới mục đích quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước theo đúng quy định.

    - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong việc giám sát thực hiện quy hoạch.

    - Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình trạm khí tượng thủy văn.

    - Cung cấp nguồn cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn cho các bộ, ngành, địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

    Xem chi tiết tại Quyết định 289/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 08/4/2024 và thay thế nội dung Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tại Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016.

     
    71 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận