05 điểm cần lưu ý khi xây dựng thang, bảng lương mới từ 01/7

Chủ đề   RSS   
  • #613847 09/07/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27652
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 575 lần


    05 điểm cần lưu ý khi xây dựng thang, bảng lương mới từ 01/7

    Khi xây dựng thang, bảng lương mới từ 01/7 cần tuân thủ nguyên tắc nào? Có những điểm gì đáng chú ý khi xây dựng, thang bảng lương mới? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương

    Trước tiên, tại Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:

    - Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

    - Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

    - Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

    Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

    Theo đó, khi tiến hành xây dựng thang, bảng lương thì cần tuân thủ theo nguyên tắc như đã nêu trên.

    (2) Cần lưu ý những gì khi xây dựng thang lương, bảng lương mới từ 01/7?

    Từ nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương như đã có nêu tại mục (1), hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương cho đơn vị của mình cần lưu ý các nội dung như sau:

    - Bậc 1 hay bậc thấp nhất của thang lương, bảng lương từ ngày 01/7/2024 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Cụ thể:

    + Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng

    + Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng

    + Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng

    + Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng.

    Tại đây, nếu bậc 1 của thang, bảng lương do hộ kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới nêu trên thì phải thực hiện điều chỉnh lại thang lương, bảng lương.

    - Trước đây, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP (đã hết hiệu lực thi hành) đã không bắt buộc phải trả lương cao hơn ít nhất 7% cho người lao động đã qua đào tạo, ngoại trừ trường hợp trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung “người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề được nhận lương cao hơn 7% so với mức tối thiểu vùng”

    Theo đó, Nghị định 74/2024/NĐ-CP đã kế thừa nội dung nêu trên. Chính vì thế, sẽ có 02 trường hợp như sau:

    + Trường hợp hộ kinh doanh, doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 01/7/2022 trở đi: Khi xây dựng thang lương, bảng lương thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

    + Trường hợp hộ kinh doanh, doanh nghiệp được thành lập trước ngày 01/7/2022: Nếu trước đó trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung “người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%” thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Bộ Luật Lao động 2019 hiện hành đã không còn bắt buộc khoảng cách giữa 02 bậc lương liền kề nhau tối thiểu là 5%. 

    Theo đó, hộ kinh doanh, doanh nghiệp được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương sao cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình.

    - Tùy vào tình hình thực tế mà có thể xây dựng nhiều hoặc ít bậc lương; nhóm chức danh, vị trí công việc khác nhau để đảm bảo tiền lương tương xứng với hiệu quả làm việc, thâm niên... của người lao động.

    Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP thì khi thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 01/7/2024, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

    Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động như:

    + Chế độ trả lương cho người làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.

    - Chế độ trả lương cho người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%.

    - Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

    Thì sẽ tiếp tục được thực hiện, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Người sử dụng lao động cũng không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, hiện có 05 điểm cần lưu ý khi xây dựng thang lương, bảng lương mới từ 01/7.

     
    1375 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (27/09/2024) hanichemco (22/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận