Vài năm trở lại đây, Startup chính là xu thế. Chúng ta có thể thấy được những tấm gương hết sức thành công như ông Đặng Hoàng Minh (Foody.vn) hay Đào Chi Anh (The Kafe)… nhưng cũng không thiếu những thất bại. Vậy đâu là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của các Startup?
Xưa nay, pháp luật không hẳn là yếu tố then chốt quyết định thành công hay thất bại. Tuy nhiên, pháp luật chính là công cụ giúp “loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu”. Bởi vậy, không nằm ngoài quy luật đó, các nhà khởi nghiệp cũng cần có hệ thống kiến thức pháp luật đủ “vững” nhằm giúp công ty khởi nghiệp của mình phát triển. Ngoài những quy định thông dụng như pháp luật về hợp đồng…sau đây là 04 loại văn bản các Startup nên thiết lập:
1. Thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ
Với đặc điểm là thường xuất phát từ các loại hình kinh doanh mới mẻ, độc đáo thể hiện qua logo, nhãn hiệu, sản phẩm… nên vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề sống còn. Các sản phẩm của công ty có thể được tạo ra bởi các bên thứ ba được thuê (ví dụ như thiết kế đồ họa…) hoặc các nhân viên của startup. Việc ký kết thoả thuận này sẽ làm rõ ai là người sở hữu các sản phẩm trí tuệ này, ai có quyền sử dụng hay mua lại. Đặc biệt là startup về công nghệ, vì những sản phẩm trí tuệ này là nền tảng cho hoạt động - nếu như có tranh chấp về quyền sử dụng trong tương lai sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động và sự tồn tại của công ty.
Một số văn bản về SHTT các startup nên tham khảo:
- Luật sở hữu trí tuệ
- Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
-Nghị định 100/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan ….
2. Điều khoản sử dụng trang web
Trang web, facebook page,… đều là những hình thức mà hầu hết các Startup sử dụng. Khi có 1 trang web, điều 1 startup cần đó là phải quy định ngay các điều khoản về cách thức sử dụng trang cũng như những tương tác của trang với người truy cập. Đặc biệt với những trang web cho phép người truy cập có thể đăng bài viết hoặc lời nhận xét lên, cần phải được kiểm duyệt nghiêm ngặt nhằm tránh những rủi ro pháp lý như nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì bị cấm hoạt động. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín mà các startup đã tạo dựng.
Tham khảo mức xử phạt tại điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
3. Chính sách bảo mật
Với thời đại công nghệ - thông tin, việc có chính sách bảo mật sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp và tạo ra một mức độ tin tưởng giữa startup và người truy cập. Chính sách bảo mật nên được soạn thảo cẩn thận để đảm bảo đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý về việc tiết lộ và sử dụng thông tin cá nhân.
4. Thoả thuận bảo mật
Mọi công ty đều có các bí mật kinh doanh, thông tin tuyệt mật về doanh nghiệp của mình, đặc biệt với các công ty về công nghệ. Việc ký kết thoả thuận bảo mật sẽ đảm bảo những thông tin quan trọng này không bị tiết lộ ra ngoài. Thoả thuận bảo mật có thể được ký kết với nhân viên, đối tác hoặc các nhà sáng lập startup với nhau. Các điều khoản trong thoả thuận này ràng buộc bên ký kết không được phép tiết lộ những bí mật kinh doanh, thông tin mật như được quy định trong thoả thuận đó, với bất kì bên thứ ba nào, kể cả khi không còn làm việc với công ty nữa.
Cập nhật bởi happy_smile ngày 09/11/2016 08:00:33 SA