“Dân luật là khác với “dân thường”, nhớ không lầm thì ở diễn đàn Dân Luật cũng có một bài liệt kê khá thú vị về nội dung này rồi. Còn khác như thế nào, hôm nay mình xin đào sâu thêm một tí. Để các bạn thấy rằng, dân luật mình… dị lắm.
1. Khi dân luật làm phép cộng:
7 + 10 + 15 = 30
Không, các bạn không nhìn lầm đâu. Và dân luật bọn mình cũng không phải dốt toán đâu. Mà chúng tôi đang cộng…. để tổng hợp hình phạt tù có thời hạn theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự 2015 đấy.
2. Dân luật cầu hôn:
“Em yêu, em có muốn chúng ta sẽ kết hợp một mối quan hệ dân sự mà ở đó , tiền lương anh làm hàng tháng, thu nhập từ tiền anh cho thuê căn biệt thự đứng tên anh ở Centre Park, tiền lãi ngân hàng mỗi tháng anh nhận được từ 03 cuốn sổ tiết kiệm… là tài sản chung của anh và em không?”
Nghe có vẻ khoe mẽ và hơi màu mè đúng không các bạn? Đúng là có vẻ hơi khoe mẽ thật, nhưng lồng ghép vào đó là những quy định về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đấy bạn ạ. Vợ chồng kết hôn, tài sản trước kết hôn là tài sản riêng, nhưng lợi tức từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hết đấy các bạn. Dân luật cầu hôn… không phải vừa đâu. (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
3. Khi dân luật bị “mượn tiền”
- Ê cho tao mượn 5 triệu tuần sau có lương tao trả lại cho.
- Mày mượn tiền tao, để làm gì? Nếu mà mày mượn thì tuần sau mày phải trả lại tao y số tiền này, những tờ tiền này, cùng serie này, không được nhàu nát, không được mất góc. Còn nếu mày không trả lại được y như vậy thì tao với mày phải làm hợp đồng vay, lãi suất 0% nghe chưa.
Nghe có vẻ hơi “nhảm” phải không các bạn. Nhưng mà không nhảm đâu. Bộ luật dân sự 2015 quy định, đối tượng của hơp đồng vay mượn phải là vật không tiêu hao. Có nghĩa là mượn sao phải trả như vậy chứ không được sai lệch hay hao hụt gì trên tài sản cho mượn đó. Nên nhớ nhé “mượn” tiền dân luật các bạn cũng phải để ý nha.
4. Khi dân luật… vô sinh
Nói ra trường hợp này nghe có vẻ xui xẻo. Nhưng cũng nói để các bạn lưu ý. Đối với một người bình thường khi nói về việc vô sinh thường không có một định nghĩa rõ rang khi chưa đi khám bác sỹ. Thường khi vợ chồng ở với nhau thời dan dài mà không có em bé thì họ nghĩ là “vô sinh”.
Nhưng với dân luật thì không đơn giản như vậy cá bạn ạ. Kể cả có kết luận của bác sỹ thì cũng chưa nói lên điều gì khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý. Bởi theo dân luật, một đôi vợ chồng bị xem là vô sinh là đôi vợ chồng phải sống chung 01 năm trở lên, và có quan hệ tình dục 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ không có thai thì mới bị xem là vô sinh. Chứ lỡ mà ở với nhau lâu, mỗi tuần có 1 lần thì không bị xem là vô sinh đâu nhé.
Không nhảm đâu các bạn ạ. Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 10/2015/NĐ-CP đã nói rõ điều này rồi.
Một chút vui vui trong một ngày mưa bão, không biết các bạn có thấy dân luật và người thường có gì khác biệt đặc trưng nữa không :3 cùng bình luận bên dưới nhé.