03 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi

Chủ đề   RSS   
  • #612622 11/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 143 lần


    03 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi

    Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có nhiều thay đổi.

    Bài viết này sẽ giới thiệu 03 điểm đáng chú ý trong dự thảo.

    Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi những điểm mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. 

    Việc sửa đổi này nhằm khắc phục những hạn chế trong luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp. 

    Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 7 gồm 8 chương, 66 điều tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

    (1) Đề xuất nâng cao chế độ hỗ trợ cho nạn nhân

    Về việc đối tượng và chế độ hỗ trợ,  căn cứ theo Điều 35 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi quy định như sau:

    Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam thì tùy trường hợp quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40, 41 và 42 của dự thảo được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:

    - Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại.

    - Hỗ trợ y tế.

    -Hỗ trợ tâm lý.

    -Trợ giúp pháp lý.

    - Hỗ trợ học văn hóa, học nghề.

    - Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

    - Hỗ trợ chi phí phiên dịch.

    So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo đã bổ sung hỗ trợ chi phí phiên dịch. Bên cạnh đó, thay đối tượng hỗ trợ là “nạn nhân” thành “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”

    Theo khoản 2 Điều 35 của dự thảo định nghĩa người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được quy định như sau:

     - Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định tại các điều 36, 37, 38, 39 và 42 của dự thảo được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d, g khoản 1 Điều 35 của dự thảo

    -Người dưới 18 tuổi đi cùng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, thì tùy trường hợp quy định tại các điều 36, 37, 38, 39, 40 và 42 của Luật này được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b và c, d, đ, g khoản 1 Điều 35 dự thảo

    Xem cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán

    Bài được viết theo Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán (Dự thảo lần 02):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/11/du-thao-luat-chong-mua-ban-nguoi.doc

    (2) Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm 

    Theo Điều 3 Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi quy định 08 hành vi bị nghiêm cấm như sau:

    - Mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

    - Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều 3 dự thảo.

    - Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.

    - Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, tố cáo, ngăn chặn và xử lý hành vi mua bán người; cản trở việc tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

    - Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

    - Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

    - Giả mạo là nạn nhân.

    - Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 

    So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung từ 12 hành vi còn 8 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, bổ sung hành vi cản trở việc tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng như cấm tiết lộ thông tin của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân

    (3) Tăng cường triển khai tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài

    So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung mục tiếp nhận người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, xác định nạn nhân. Trong đó bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài. Cụ thể tại Điều 26 dự thảo đề cập như sau:

    Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do chính họ, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau:

    - Trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ.

    - Trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy tờ xuất nhập theo quy định.

    Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước.

    Như vậy, đây được xem là một điều luật mới nhằm đáp ứng công tác tiếp nhận và xác minh thông tin,danh tính nạn nhân,  nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mà còn bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nạn nhân.

    Tóm lại, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo mới đã có nhiều sự thay đổi, trong đó 03 điểm đáng chú ý là về việc đề xuất nâng cao chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm và bổ sung việc tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài.

    Xem cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán

    Bài được viết theo Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán (Dự thảo lần 02):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/11/du-thao-luat-chong-mua-ban-nguoi.doc

     
    250 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận