Đối với đăng ký thế chấp tài sản là bất động sản thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký. Hiệu lực của đăng ký kéo dài đến khi các bên xóa đăng ký “biện pháp bảo đảm bằng tài sản gắn liền với đất”
Việc đăng ký biện pháp bảo đảm có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Đối với bên nhận thế chấp tài sản thì việc đăng ký biện pháp bảo đảm cụ thể là đăng ký thế chấp nhà ở không chỉ là cơ sở để xác nhận tình trạng tài sản mà việc đăng ký còn mang ý nghĩa quan trọng đó là làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba đặc biệt là trong những trường hợp bên thế chấp dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ thì việc đăng ký thế chấp chính là cơ sở để xác định được quyền ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật Dân sự 2015. Hay trong trường hợp bên thế chấp không nắm giữ tài sản thì lúc này bên nhận vẫn bảo đảm được quyền truy đòi tài sản của mình từ người đang nắm giữ tài sản thế chấp đó, đây là quyền lợi đặc biệt quan trọng của bên nhận thế chấp để có thể giúp bên nhận thế chấp thực hiện được các quyền liên quan đến việc xử lý tài sản mà pháp luật quy định để xử lý tài sản thế chấp khi bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ của mình.