Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, các hoạt động vui chơi, tụ họp cũng nhộn nhịp hơn trước. Cùng với đó, CSGT cũng tăng cường kiểm soát, triển khai xử lý nghiêm đối với các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Người dân thắc mắc: “Trường hợp người lái xe có men trong người những gặp chốt đo nồng độ cồn thì xuống xe dắt bộ qua thì có bị xử lý vi phạm không?”
Tình trạng đối phó, xem thường luật pháp của một số ít đối tượng hiện nay như có nồng độ cồn trong người vấn ung dung lái xe, hay lái xe gặp chốt đo nồng độ cồn của CSGT thì xuống xe dắt bộ qua rồi chạy tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Những trường hợp kể trên gây bức xúc cho người dân và cản trở việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, theo đó hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.
Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện (xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng) tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành quy định, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, ô tô không được phép trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn hay chất kích thích. Mọi người điều khiển phương tiện vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định.
Như vậy, đối với trường hợp người sử dụng phương tiện chỉ dắt xe mà không ngồi lên xe để điều khiển thì không phải người điều khiển phương tiện giao thông, CSGT không có căn cứ xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, Công an Hà Nội nhấn mạnh, nếu người điều khiển phương tiện uống rượu bia khi thấy CSGT hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn mà xuống dắt xe đi bộ nhằm né việc kiểm tra, thì đây có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng.
Dắt bộ xe qua chốt kiểm tra nồng độ cồn khi trong người có men bị xử lý thế nào?
Trong trường hợp này, nếu có căn cứ trước đó người uống rượu bia điều khiển xe (được chứng minh bằng camera ghi lại hình ảnh người đó vừa uống rượu bia mà vẫn lái xe), nhưng khi tới gần chốt kiểm tra nồng độ cồn lại xuống dắt bộ, CSGT có thể kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe và xử phạt theo quy định.
Căn cứ tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở là từ 02-03 triệu đồng
Đối với trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 04-05 triệu đồng.
Đặc biệt, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 06-08 triệu đông.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi trên còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và tạm giữ phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, trường hợp người điều khiển các loại xe nêu trên hoặc xe tương tự không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, họ có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu, tước bằng lái từ 22-24 tháng.
Hành vi thông báo chốt CSGT đo nồng độ cồn là bao nhiêu?
Dạo gần đây xuất hiện một số trường hợp vi phạm về đăng tải hình ảnh chụp lại vị trí làm việc của lực lượng CSGT lên mạng xã hội nhằm để những người điều khiển phương tiện giao thông có nộng độ cồn trong người né chốt tránh bị xử lý vi phạm.
Theo đó, hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm, cụ thể căn cứ tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
Theo đó, việc thông báo hoạt động của lực lượng CSGT giúp người vi phạm né tránh các chốt của lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí … biết để né tránh lực lượng làm nhiệm vụ.