Tình huống pháp lý:
Anh A có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép, bị cảnh sát giao thông tỉnh B đang làm nhiệm vụ lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện (xe ô tô). Sau đó 5 ngày, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B ra quyết định xử phạt hành chính anh A, hình thức phạt tiền, mức phạt 700.000 đồng, đồng thời trả lại phương tiện cho A. Anh A bị phạt như vậy có đúng quy định pháp luật không?
Trường hợp vi phạm hành chính phải lập biên bản được quy định tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.”
Trường hợp xử phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, người có thẩm quyền phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp của anh A vi phạm điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, bị áp dụng hình thức phạt tiền 700.000 đồng, tức trên 250.000 đồng nên người có thẩm quyền phải tiến hành việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Việc cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với anh A là đúng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép không thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện. Do vậy, việc cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện của anh A là không đúng.
Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng phòng cảnh sát giao thông được quy định như sau:
“Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.”
Do đó, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày, vẫn đảm bảo về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh A của Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B là đúng.
Ngoài ra, theo quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ có quyền:
…
b) Phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 25.000.000 đồng;”
Mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ghi nhận cụ thể tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính:
“1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;”
Như vậy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có quyền được phạt tiền tối đa 20%x40.000.000 = 8.000.000 đồng.
Việc xử phạt tiền anh A 700.000 đồng vẫn thuộc thẩm quyền của Trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh B nên việc xử phạt của người này vẫn là đúng quy định của pháp luật.