Xử phạt vi phạm hành chính khi biện pháp khắc phục hậu quả vượt quá thẩm quyền?

Chủ đề   RSS   
  • #603457 22/06/2023

    Xử phạt vi phạm hành chính khi biện pháp khắc phục hậu quả vượt quá thẩm quyền?

    Đối với hành vi vi phạm tại Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP mà mức phạt tiền nằm trong thẩm quyền xử phạt nhưng biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền thì giải quyết như thế nào?
     
    Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm
     
    Căn cứ Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
     
    - Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
     
    - Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
     
    - Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
     
    =>> Như vậy, đối với trường hợp biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt trường hợp này đơn vị không chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt mà ra quyết định xử phạt luôn thì được xem là vi phạm về thẩm quyền xử phạt.
     
    Xử lý quyết định xử phạt hành chính ban hành vượt quá thẩm quyền xử phạt
     
    Căn cứ Điều 13 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP các trường hợp hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
     
    - Không đúng đối tượng vi phạm;
     
    - Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;
     
    - Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;
     
    - Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
     
    - Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
     
    - Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
     
    - Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
     
    - Trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
     
    =>> Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định có sai sót, nếu người đã ban hành quyết định không hủy bỏ quyết định theo quy định. Do đó, đối với trường hợp biện pháp khắc phục hậu quả vượt quá thẩm quyền xử phạt mà cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt thì phải thu hồi hủy bỏ quyết định và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt mới. 
     
    Xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm tại Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP
     
    =>> Đối với xử phạt hành vi vi phạm tại Điều 31 của Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông. Tuy nhiên, hiện tại quy định chung lại không có đề cập đến biện pháp khắc phục hậu quả này và không xác định được thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Vấn đề này có thể là do khi điều chỉnh quy định cơ quan ban hành văn bản đã bỏ sót vấn đề này. Do đó, đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành không có cơ sở để xác định là ban hành đúng thẩm quyền hay sai thẩm quyền để thu hồi hủy bỏ quyết định.
     
    =>> Như vậy, tùy vào từng trường hợp vi phạm mà sẽ xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm khác nhau. Các cơ quan có thẩm quyền nên lưu ý để tránh ban hành quyết định xử phạt sai thẩm quyền. 
     
    786 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận