Hiện không có văn bản xử phạt vi phạm hành chính điều chỉnh trực tiếp nội dung này. Tuy nhiên, có thể xử lý theo hướng về xử phạt vi phạm hành chính về đất đai hoặc vi phạm liên quan đến tài nguyên nước.
- Xử phạt hành chính về đất đai: Trường hợp nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch mà chuyển đổi mục đích sử dụng đất không xin phép.
Tại Điều 57 Luật Đất đai 2013:
"Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
..."
Quy định xử phạt tham khảo tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Xử phạt liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước (khi nuôi tôm khoan giếng lấy nước phục vụ hoạt động nuôi tôm).
Tại Điều 16 Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước
"Điều 16. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép
1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các Điểm a, c, d và Điểm đ Khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước mà không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước.
2. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước bao gồm:
a) Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước;
b) Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;
c) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;
đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo."
Như vậy, việc khoan giếng lấy nước phục vụ cho hoạt động nuôi tôm nếu thuộc các trường hợp nêu trên thì không cần phải đăng ký, xin phép, nếu không thuộc trường hợp trên thì phải xin phép. Nếu thuộc trường hợp phải xin phép mà không thực hiện sẽ bị xử phạt. Quy định về xử phạt tham khảo thêm tại Điều 7 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.